Phần II này, PGS.TS.BS. Vũ Văn Khiên, Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện TƯQĐ 108, sẽ tiếp tục trao đổi về những nguy cơ của vi khuẩn Hp gây bệnh dạ dày trên người. (phần II)
PV: Khi phát hiện có vi khuẩn Hp trong dạ dày, theo bác sỹ có nhất thiết phải diệt vi khuẩn đi không?
PGS.TS.BS. Vũ Văn Khiên: Đây là một câu hỏi rất thú vị mà chúng tôi nhận được câu hỏi này từ rất nhiều người, kể cả bệnh nhân lẫn người quên. Chúng tôi cần phải nói rằng, việc điều trị vi khuẩn Hp không bắt buộc phải tiến hành với tất cả mọi người có vi khuẩn Hp bởi vì không phải ai nhiễm loại vi khuẩn này cũng bị bệnh dạ dày. Nhiễm khuẩn Hp và bệnh dạ dày do nhiễm khuẩn Hp là hai điều khác nhau cần phải phân biệt rõ ràng. Một số người lo ngại Ung thư dạ dày hoặc các bệnh do vi khuẩn Hp gây ra thì có thể yêu cầu tiệt trừ vi khuẩn Hp, chúng tôi vẫn có phương pháp để tiệt trừ và sẽ tiến hành điều trị vi khuẩn Hp ở những người đó. Nhưng chúng tôi không khuyến khích tất cả mọi người làm như vậy vì yếu tố về kinh tế, vì các tác dụng phụ của thuốc.
Đồng thuận Masstricht IV của hội tiêu hóa thế giới thống nhất cần tiêu diệt vi khuẩn Hp trong những trường hợp có vi khuẩn Hp mà bị mắc các chứng sau:
- Loét dạ dày – tá tràng.
- Chứng khó tiêu chức năng.
- Thiếu máu, thiếu sắt.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu.
- Ung thư dạ dày đã phẫu thuật hoặc điều trị nội soi
Những đối tượng sau thì cần phải tiệt trừ ngay vi khuẩn Hp khi phát hiện, hoặc áp dụng các biện pháp dự phòng nhiễm vi khuẩn Hp thật tốt để phòng tránh Ung thư:
- Trong gia đình có người bị Ung thư dạ dày.
- Khối U dạ dày: Adenoma, polyp tăng sản ERM.
- Viêm teo niêm mạc dạ dày, nơi có tần suất Ung thư dạ dày cao.
- Bệnh nhân muốn chủ động tiệt trừ Hp để phòng ngừa Ung thư dạ dày do lo lắng.
- Bệnh nhân sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm NSAIDs, Aspirin kéo dài.
Như vậy nếu chúng tôi gặp bệnh nhân với các bất kỳ biểu hiện nào ở trên đây, chúng tôi sẽ điều trị tiêu diệt triệt để vi khuẩn Hp và hướng dẫn bệnh nhân thật kỹ lưỡng để phòng ngừa các biến chứng do nhiễm khuẩn Hp gây ra.
PV: Tôi có trao đổi với một số chuyên gia đi học từ Nhật Bản về, họ nói rằng ở bên Nhật Bản, đã có chương trình phát hiện và tiêu diệt vi khuẩn Hp với mục tiêu loại trừ hoàn toàn vi khuẩn Hp khỏi cộng đồng. Tại sao ở Việt Nam không làm như vậy, có phải việc loại trừ hoàn toàn như vậy là không cần thiết?
PGS.TS.BS. Vũ Văn Khiên: Tôi cũng đã có cơ hội tiếp xúc với Tiến sỹ Nguyễn Văn Sa, Viện trưởng Viện nghiên cứu miễn dịch Gifu tại Nhật Bản, nơi nghiên cứu thành công loại kháng thể chống vi khuẩn Hp hiện nay đang được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản, hay Giáo sư Yamaoka, chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu về vi khuẩn Hp. Họ đều cho rằng việc tìm kiếm và tiêu diệt vi khuẩn Hp trong cộng đồng là cần thiết, thậm chí chương trình này còn nằm trong chính sách của Bộ Y Tế, được chính phủ Nhật Bản đầu tư và chi trả toàn bộ chi phí. Kết quả của chương trình này làm cho tỷ lệ nhiễm Hp ở Nhật Bản giảm xuống, tỷ lệ các bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và thậm chí Ung thư dạ dày đều giảm xuống đáng kể.
Quy về Việt Nam, thì chúng tôi phải nói rằng, không phải là chúng tôi không muốn làm điều đó, chúng tôi rất muốn làm, thế nhưng nó gặp phải rất nhiều rào cản về mặt chính sách, về pháp lý, về khả năng tài chính. Do đó, hiện nay chúng tôi vẫn chỉ tiến hành điều trị vi khuẩn Hp trên những bệnh nhân bệnh dạ dày mà có vi khuẩn Hp. Thực tế cho thấy, đa số bệnh nhân đến với chúng tôi mà có bệnh dạ dày thì cũng có vi khuẩn Hp.
PV: Các phương pháp diệt vi khuẩn Hp hiện nay là gì?
PGS.TS.BS. Vũ Văn Khiên: Để tiêu diệt vi khuẩn Hp người ta phải dùng ít nhất 2 loại kháng sinh kết hợp với nhau và 1 loại thuốc ức chế acid dạ dày để tăng hiệu quả tác động của kháng sinh, sự kết hợp như vậy gọi chung là phác đồ điều trị vi khuẩn Hp. Đây là phương pháp duy nhất trên thể giới hiện nay để điều trị nhiễm khuẩn Hp ở người.
PV: Sau khi diệt xong vi khuẩn Hp thì người bệnh có bị nhiễm lại không? Nếu nhiễm lại thì xử lý thế nào?
PGS.TS.BS. Vũ Văn Khiên: Rất phổ biến. Bệnh nhân điều trị xong năm nay có thể năm sau lại tới khám và lại thấy có vi khuẩn Hp. Sở dĩ như vậy bởi vì vi khuẩn Hp rất dễ lây nhiễm trong cộng đồng theo nhiều con đường khác nhau, đặc biệt là con đường ăn uống, vệ sinh môi trường. Mà tỷ lệ nhiễm Hp ở Việt Nam lại cao cho nên dễ dẫn tới hiện tượng tái nhiễm.
Khi tái nhiễm Hp như vậy mà bệnh nhân lại bị đau dạ dày lại thì bác sỹ lại tiếp tục sử dụng phác đồ kháng sinh để điều trị vi khuẩn Hp.
(Còn tiếp…..)
PV. Hoài An