Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp được áp dụng trong lâm sàng và trong nghiên cứu. Tuỳ theo phương pháp đó có cần qua nội soi dạ dày tá tràng hay không hay không, người ta chia làm hai nhóm là: các phương pháp xâm lấn (invasive) và các phương pháp không xâm lấn (non- invasive).
Hiện nay đã có nhiều phương pháp khác nhau để kiểm tra nhiễm khuẩn Hp nhanh chóng
Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp có xâm lấn
Qua nội soi dạ dày và lấy các mảnh sinh thiết để xét nghiệm. Phương pháp này cho phép kiểm tra được hình thái tế bào, xác định được chủng Hp, nuôi cấy và làm được kháng sinh đồ để xem vi khuẩn Hp nhạy cảm với loại kháng sinh nào.
- Test Urease: Dựa trên cơ sở Hp tiết ra nhiều men Urease đã phân huỷ urea thành amoniac và làm cho môi trường trở nên kiềm tính, từ đó làm dung dịch ure-Indol màu vàng chuyển sang màu hồng tím trong môi trường kiềm. Nhưng hạn chế của phương pháp này là độ nhạy thấp, cần phải có ít nhất 105 vi khuẩn trong mảnh sinh thiết mới đủ để làm dung dịch đổi màu, ngoài ra cuối đợt điều trị, không thể dùng test này để chẩn đoán vì có thể vi khuẩn vẫn còn, nhưng số lượng còn ít, không đủ để làm dung dịch đổi màu. Nếu đọc kết quả sau 24 giờ độ nhạy sẽ có thể cao, nhưng không còn có giá trị của một xét nghiệm nhanh, ngoài ra độ đặc hiệu giảm do một số vi khuẩn tiết men Urease có ở miệng như Streptococcus, Staphylococus có thể là nguyên nhân của kết quả dương tính giả. Gastrospirillum hominis, cũng có thể gây ra phản ứng dương tính. Phương pháp cho độ nhậy (93-97%), độ đặc hiệu (95-100%).
- Phương pháp mô bệnh học: Bệnh phẩm được cố định bằng Formol 10% được xử lý theo phương pháp thông thường, cắt mảnh 4 – 6 mm. Nhuộm màu bằng nhiều phương pháp như: Hematixyline – eosine (H.E), Warthin- Starry, Giemsa, nhuộm Acridine- Orange và nhuộm hoá mô miễn dịch với kháng thể không đánh dấu, nhuộm Peroxydase- Antiperoxydase. Trong các phương pháp trên, nhuộm Giemsa thường được áp dụng hơn cả vì đơn giản, rẻ tiền, cho kết quả nhanh. Quan sát dưới kính hiển vi thấy H.pylori thường nằm trong các khe và trên bề mặt của niêm mạc. Ưu điểm của phương pháp này là có thể áp dụng được ở hầu hết các cơ sở y tế. Phương pháp cho độ nhậy > 95%, độ đặc hiệu (94-98%).
- Phương pháp nuôi cấy: Mảnh sinh thiết được nghiền trong 0,5 ml nước muối sinh lý trong vài giây, sau đó được cấy vào môi trường cấy. H.pylori là một loài vi khuẩn yếu và khó nuôi cấy. Nhiệt độ môi trường phải luôn ở 370C. Quan sát hàng ngày sẽ thấy các khuẩn lạc tròn, sáng sau 3 ngày. Phương pháp này có độ đặc hiệu và độ nhạy cao và đặc biệt cần thiết trong các trường hợp cần phải thử độ nhạy của kháng sinh trong điều trị H.pylori. Phương pháp cho độ nhậy (70-80%), độ đặc hiệu 100%
➤ Xem chi tiết: Các test kiểm tra vi khuẩn Hp trong dạ dày
Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp không xâm lấn
Có nhiều phương pháp không xâm lấn đã được sử dụng, tuy nhiên 3 phương pháp sau được sử dụng nhiều nhất vì cho độ nhậy và độ đặc hiệu cao, dễ sử dụng và ngày càng được ứng dụng nhiều.
- Test thở CO2 phóng xạ: Dựa trên khả năng của H.pylori phân huỷ ure thành amoniac và CO2. Cho bệnh nhân uống một dung dịch ure phóng xạ C13 hoặc C14, khi có mặt H.pylori thì ure phóng xạ này sẽ bị phân huỷ và giải phóng ra CO2 phóng xạ, chất này được hấp thụ vào máu và được thải ra qua phổi trong khí thở ra, sau đó người ta đo CO2 phóng xạ trong vòng 1 giờ. Các mẫu khí thở ra được phân tích tìm phóng xạ bằng máy đếm nhấp nháy. Phương pháp cho độ nhậy 85%, độ đặc hiệu 79%.
- Test thở với ure phóng xạ C13
Ưu điểm là không bị nhiễm xạ, an toàn nhưng cần phải phân tích qua máy quang phổ kế. Có thể dùng được cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em.
Đánh giá kết quả bằng chỉ số DOB, nếu DOB> 4% là có nhiễm H.pylori và DOB< 4% là không nhiễm H.pylori.
Trước khi làm test hơi thở, bạn có thể yêu cầu kỹ thuật viên cho biết, bạn đang chuẩn bị được làm xét nghiệm hơi thở với chất có phóng xạ hay không.
- Test thở với ure C14
Phân tích với máy đếm nhấp nháy có giá thành rẻ hơn nhưng có nhiễm xạ với liều nhỏ (1/1000 lần so với chụp Xquang). Không nên dùng test này cho phụ nữ trong tuổi sinh nở, có thai, cho con bú và trẻ nhỏ vì bản chất C14 là chất phóng xạ.
Cần làm gì trước khi làm các kiểm tra nhiễm Hp bằng test thở
– Bệnh nhân phải ngưng các thuốc kháng sinh và thuốc chứa bismuth 4 tuần; ngưng thuốc sucralfat và thuốc ức chế bơm proton 2 tuần; phải nhịn đói 6h trước khi làm test.
Đánh giá kết qua qua thông số DPM (độ phân giải của chất phóng xạ trong một phút)
DPM< 50: không nhiễm H.pylori
DPM 50-199: không xác định có nhiễm H.pylori.
DPM> 200: có nhiễm H.pylori
- Test huyết thanh: Dựa trên cơ sở tìm thấy kháng thể H.pylori trong huyết thanh. Người ta sử dụng phương pháp sắc ký miễn dịch để phát hiện các kháng thể IgG đặc hiệu trong huyết thanh bệnh nhân có nhiễm H.pylori, phương pháp cho kết quả nhanh, không phức tạp. Dùng để chẩn đoán một bệnh nhân mới, hay nghiên cứu dịch tễ học. Không dùng để theo dõi điều trị vì tỉ lệ IgG giảm rất chậm. Phương pháp cho độ nhậy (95-100%), độ đặc hiệu (91-98%). Tuy nhiên, phương pháp này thường hay cho kết quả dương tính giả vì cho dù vi khuẩn Hp không có trong dạ dày, kháng thể kháng Hp vẫn có thể lưu hành trong máu một vài năm, thậm chí là nhiều năm sau đó. Chính vì vậy, đây không phải là loại xét nghiệm tin cậy, được khuyến cáo sử dụng trước và sau khi điều trị. Lưu ý, chỉ sử dụng phương pháp này khi không có sẵn phương pháp nào có độ tin cậy cao hơn.
- Xét nghiệm tìm kháng thể H.pylori trong phân (H.pylori stool antigen test): Phương pháp này phát hiện kháng nguyên H.pylori trong phân, có giá trị trong chẩn đoán nhiễm H.pylori ở trẻ em, người lớn, có thể sử dụng trong đánh giá kết quả điều trị. Phương pháp cho độ nhậy (91-98%), độ đặc hiệu (94-99%).
Theo Hội tiêu hóa Việt Nam
Test HP nhưng sao BS chữ để lại kết luận là ‘Negative’ mà ko xác định rõ hơn ạ! Em cảm ơn!
Chào bạn,
Negative (Âm tính) hoặc kí hiệu HP(-) tức là bạn không nhiễm khuẩn HP. Đây là các thuật ngữ, kí hiệu trong chuyên ngành y, là quy chuẩn rồi. Bác sỹ sẽ giải thích trực tiếp với cho bệnh nhân khi trả xét nghiệm và kê đơn bạn nhé!
Chúc bạn mạnh khỏe,
mình có xét nghiệm test hơi thở 13CO2:
Ngưỡng DOB<4
Kết Quả(DOB):7.1
Kết Luận: Dương Tính
bây giờ cần phải làm gì để điều trị vậy bác sĩ và cho hỏi kết quả(DOB):27.4 mà Ngưỡng DOB<4 thì bị nặng đến mức nào vậy
Chào bạn,
Đối với test thở C13, chỉ số C trên 2,5‰ là dương tính với HP, do đó theo kết quả trên bạn có nhiễm khuẩn HP nhưng tải lượng khá thấp.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng, tải lượng HP cao hay thấp không phản ánh mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Để xác định bệnh nặng hay nhẹ cần căn cứ trên các triệu chứng và tổn thương thực thể tại dạ dày thông qua kết quả nội soi: tổn thương viêm hay loét, khu vực tổn thương, diện tích bị tổn thương, có khối u hay không…
Trong trường hợp bạn có viêm loét dạ dày, có biểu hiện triệu chứng đau dạ dày thì nên sử dụng phác đồ kháng sinh để diệt trừ HP.
Trường hợp bạn không bị viêm loét dạ dày, hoặc đã điều trị và hiện tại không còn triệu chứng thì có thể có thêm 1 lựa chọn khác đó là sử dụng kháng thể kháng HP (OvalgenHP) để giảm dần tải lượng HP về mức âm tính. Liều sử dụng của OvalgenHP (GastimunHP) trong trường hợp này là 2 gói/ngày chia 2 lần sau ăn trong 6 tuần. Sau 6 tuần bạn nên kiểm tra lại 1 lần với test thở.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Có những phương pháp test nào kiểm tra trong dạ dày có vi khuẩn HP chuẩn xác mà ko cần đến nội soi dạ dày
Chào bạn,
Hiện nay có một số phương pháp xét nghiệm kiểm tra HP không xâm lấn như test thở, xét nghiệm phân, xét nghiệm máu…Trong đó, test thở được sử dụng phổ biến nhất để kiểm tra vi khuẩn HP do có độ chính xác cao và tiện dụng. Xét nghiệm máu hiện không được khuyến cáo sử dụng do có độ tin cậy thấp, chủ yếu hiện nay dùng trong dịch tễ.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Xét nghiệm dạ dày vi rút HP+ , xét nghiệm máu độ chính xác cao ko ạ .
Chào bạn,
Xét nghiệm máu kiểm tra HP có độ tin cậy không cao, không dùng trong chẩn đoán nhiễm HP mà chủ yếu dùng trong dịch tễ.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Tôi đang uống nexium 40mup có xn hoặc test hp đươc khong xin cám ơn
Chào bạn,
Bạn cần ngưng Nexium ít nhất 2 tuần mới xét nghiệm được nhé.
Chúc bạn mạnh khỏe,