Tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori ở trẻ em không cao như ở người lớn. Tuy nhiên, đối với trẻ em, việc điều trị triệt để Hp là điều vô cùng khó khăn, ngay cả các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa trẻ em cũng còn nhiều tranh cãi trong việc đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Đặc biệt, tỷ lệ vi khuẩn Hp đề kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ gia tăng nhanh hơn người lớn rất nhiều do tình trạng sử dụng các loại kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa phổ biến ở trẻ nhỏ cũng là một điều khiến hàng chuyên gia hết sức lo lắng.
Nội dung chính
Trẻ em có dễ nhiễm khuẩn Hp không?
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em mang Hp trong dạ dày khác nhau tùy vào quốc gia, chủng tộc, điều kiện sống khác nhau. Ở các nước công nghiệp hóa, tỷ lệ này từ 20-50% và ngày càng giảm dần. Trong khi ở các nước đang phát triển tỷ lệ trẻ mang mầm bệnh Hp khá cao, có thể lên đến 80% ở một số nơi và tỷ lệ này vẫn tiếp tục cao hằng định trong thời gian qua. Trẻ trai hay gái đều có nguy cơ nhiễm như nhau. Các gia đình có thu nhập thấp, gia đình đông nhân khẩu, sử dụng nguồn nước không sạch là những yếu tố nguy cơ dễ bị nhiễm Hp hơn những gia đình khác.
Trong một nghiên cứu trên 824 trẻ nhập Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong năm 2001-2002 vì những lý do không phải bệnh lý tiêu hóa, tỷ lệ thử máu dương tính với Hp là 34%. Trẻ trong độ tuổi từ 3 tuổi trở lên, hoặc gia đình có số con đông thì dễ mắc Hp hơn. Nghiên cứu cũng chỉ rõ rằng những trẻ được bú mẹ trên 6 tháng thì ít bị nhiễm Hp hơn (nguy cơ giảm chỉ còn một nửa so với trẻ khác).
Trẻ dưới 1 tuổi thường chưa bị nhiễm Hp nhờ kháng thể của mẹ cho qua sữa mẹ. Lứa tuổi khởi đầu có thể nhiễm Hp là từ 2-4 tuổi. Nếu không được điều trị thì Hp “sống chung” với chúng ta đến suốt đời, tuy nhiên, cũng có một số ít các trường hợp tự khỏi.
Con đường lây nhiễm Hp cho trẻ
Cho đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa định rõ phương thức lây truyền Hp, tuy nhiên, các bằng chứng gợi ý là lây nhiễm từ người sang người. Một số nghiên cứu cho thấy nếu cha mẹ hay người chăm sóc bị nhiễm HP thì có thể lây qua cho trẻ. Việc lây nhiễm thông qua các dịch tiết ở miệng có thể được “hỗ trợ” bởi những hành động như nhai mớm cho con, nếm trước thức ăn hay dùng chung đũa muỗng.
Có cần kiểm tra nhiễm khuẩn Hp cho con khi bố, mẹ bị nhiễm Hp
Đây là tình huống được rất nhiều phụ huynh thắc mắc. Đành rằng, nếu trong gia đình có người lớn nhiễm Hp thì con trẻ trong nhà cũng có nguy cơ bị nhiễm, nhưng việc đưa đi test để biết xem trẻ có nhiễm hay không thì không được các bác sỹ nhi khoa khuyến cáo cho mọi trường hợp. Sở dĩ như vậy là do ở trẻ em giữa “bị nhiễm Hp” và “bị bệnh do Hp gây ra” vẫn còn một khoảng cách khá xa, hay nói cách khác, Hp trong dạ dày của trẻ em thường sống “hòa bình” với trẻ trong một thời gian dài và hiếm khi “gây ra chuyện”. Chỉ những trẻ có vấn đề ở đường tiêu hóa hay một số triệu chứng khác mà bác sĩ nghi ngờ có thể là hậu quả của Hp gây ra thì việc test Hp mới được đặt ra và cũng chỉ một số xét nghiệm là có thể dùng được cho trẻ em một cách dễ dàng và đáng tin cậy.
Nếu đã tiệt trừ sạch Hp, bé có bị nhiễm lại sau này không?
Nhiều nghiên cứu cho thấy sau đã tiệt trừ sạch sẽ vi khuẩn Hp, một số có thể bị nhiễm lại sau đó. Nếu lấy mốc 1 năm sau khi tiệt trừ thì số trẻ bị nhiễm lại có thể nhiều hoặc ít tùy vào điều kiện sống, sinh hoạt, chăm sóc. Trong một nghiên cứu tại Hà Nội trên 226 trẻ bị loét dạ dày – tá tràng do HP, sau khi tiệt trừ xong thì vẫn có 23,5% bị nhiễm trở lại ở thời điểm 1 năm sau, trong đó, trẻ càng nhỏ thì khả năng nhiễm lại càng cao. Vì vậy, sử dụng các biện pháp tránh tái nhiễm Hp cho trẻ cũng được đánh giá quan trọng không kém việc tiệt trừ triệt để vi khuẩn Hp.
PGS.TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn
Khoa tiêu hóa- BV Nhi Đồng 1
Thư ký Chi hội Tiêu hóa Nhi Việt Nam
Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp Đại Học Y Dược TP HCM, 2005 tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại Học Tokyo, Nhật Bản, 2008 Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Tokyo, Nhật Bản và năm 2015 được phong hàm Phó Giáo Sư. PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn đã có 20 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh cho trẻ em tại Khoa Tiêu Hóa – Bệnh viện Nhi Đồng 1 và hiện nay ông đang là Thư Ký Chi hội Tiêu hóa Nhi Việt Nam
Hoàng hai says
Chào bs cho e hỏi xét nghiệm hp bằng tesc thì có chính xác ko a e xin cảm ơn
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Bạn vui lòng xem chi tiết tại: Các test kiểm tra vi khuẩn HP trong dạ dày.
Chúc bạn mạnh khỏe,