Phát hiện ra vi khuẩn H.pylori có trong dạ dày người vào năm 1982 đã mang lại giải Nobel Y học cho hai nhà khoa học người Úc là Warren J.R. và Marshall B.J vào năm 2005 và đồng thời làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của con người về bệnh lý dạ dày cũng như quan điểm điều trị các bệnh lý liên quan.
Tại thời điểm năm 1982, sau khi phân lập được chủng vi khuẩn mới từ mẫu sinh thiết dạ dày của một bệnh nhân loét hành tá tràng và hai nhà khoa học đã đặt tên cho loại vi khuẩn đó là Campylobacter pyloridis. Năm 1983, các ông đã nuôi cấy thành công chủng vi khuẩn này và công trình nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Lancet – Tạp chí y học điều trị uy tín nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những nghiên cứu tiếp theo cho thấy Campylobacter pyloridis khác hẳn với những Campylobacter về đặc điểm sinh hóa học, do đó Goodwin đã đề nghị xếp loại vi khuẩn này vào họ Helicobacter.
Tháng 6 năm 1989, Thompson phát hiện ra thành phần 16S ARN nhiễm sắc thể đặc trưng cho Campylobacter pylori, mà không có ở Campylobacter. Từ đó Campylobacter pylori có tên là Helicobacter pylori .
Theo Jean Louis Fauchere thì có ít nhất 9 loại Helicobacter được phát hiện, tuy nhiên chỉ có 3 loại H.pylori, H.cinaedi, H.heilmanni có ở trong dạ dày người, trong đó chủ yếu là H.pylori , còn H.heilmanni chỉ chiếm khoảng 1-8%. Hiện nay đã tìm được 21 loài thuộc về giống Hecolibacter cư ngụ trên các động vật khác nhau, ngoài ra còn có thể tìm thêm một số loài nữa thuộc giống này nhưng chỉ có H.pylori là thủ phạm chính gây ra các bệnh dạ dày tá tràng (DDTT).
Việc phát hiện vi khuẩn H.pylori đã làm thay đổi cơ bản những hiểu biết về bệnh loét và viêm teo mạn tính niêm mạc dạ dày. Tại hội thảo quốc tế ở Dublin, Ireland (7/1992) đã kết luận: H.pylori có vai trò chủ yếu trong bệnh viêm dạ dày mạn (VDDM), loét dạ dày tá tràng (DDTT) và còn được xếp vào nhóm I trong các tác nhân gây Ung thư dạ dày (UTDD)
PGS.TS.BS. Vũ Văn Khiên
Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108