Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) là nguyên nhân chính gây Loét dạ dày tá tràng, Viêm dạ dày tá tràng mạn tính, Ung thư dạ dày. Nhiễm khuẩn Hp ở trẻ em có nhiều điểm khác biệt so với nhiễm khuẩn Hp ở người lớn dẫn tới việc chẩn đoán và điều trị cũng không hoàn toàn giống nhau.
Vi khuẩn Hp là mối đe dọa với sức khỏe trẻ em
Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh không nắm rõ được mức độ nguy hiểm của bệnh lý do vi khuẩn Hp gây ra trên trẻ nhỏ nên chưa chú trọng việc điều trị triệt để bệnh ở trẻ mà chỉ tập trung làm giảm triệu chứng đau dạ dày, đó là một sai lầm. Nội dung bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh da vi khuẩn Hp gây ra và những lưu ý cần thiết để phát hiện bệnh và phối hợp điều trị cùng bác sỹ để đạt kết quả tốt nhất.
Nội dung chính
- 1 Trẻ em có dễ nhiễm Hp không?
- 2 Vì sao bé bị nhiễm Hp?
- 3 Nhiễm Hp ở trẻ em và người lớn có điểm khác biệt nào?
- 4 Hp gây ra bệnh gì cho bé và làm sao phát hiện?
- 5 Những xét nghiệm tìm Hp ở trẻ em
- 6 Nếu đã tiệt trừ sạch Hp, bé có bị nhiễm lại sau này không?
- 7 Biện pháp giúp giảm nguy cơ tái nhiễm Hp cho trẻ hiện nay
Trẻ em có dễ nhiễm Hp không?
Ở các nước công nghiệp hóa, tỷ lệ này từ 20-50% và đang giảm dần. Trong khi ở các nước đang phát triển tỷ lệ trẻ mang mầm bệnh HP khá cao, có thể lên đến 80% ở một số nơi. Các gia đình có thu nhập thấp, gia đình đông nhân khẩu, sử dụng nguồn nước không sạch là những yếu tố nguy cơ dễ bị nhiễm HP hơn những gia đình khác.
Trong một nghiên cứu trên 824 trẻ nhập bệnh viện Đại học Y Hà nội trong năm 2001-2002 vì những lý do không phải bệnh lý tiêu hóa, tỷ lệ thử máu dương tính với Hp là 34%. Trẻ trong độ tuổi từ 3 tuổi trở lên, hoặc gia đình có số con đông thì dễ mắc Hp hơn. Nghiên cứu cũng chỉ rõ rằng những trẻ được bú mẹ trên 6 tháng thì ít bị nhiễm Hp hơn (nguy cơ giảm chỉ còn một nửa so với trẻ khác).
Trẻ dưới 1 tuổi thường chưa bị nhiễm Hp nhờ kháng thể trong sữa mẹ. Lứa tuổi khởi đầu có thể nhiễm Hp là từ 2-4 tuổi. Nếu không được điều trị thì Hp “sống chung” với chúng ta đến suốt đời, tuy nhiên, cũng có một số ít các trường hợp tự khỏi.
Vì sao bé bị nhiễm Hp?
Có nhiều con đường lây nhiễm Hp nhưng lây nhiễm từ người sang người là phổ biến hơn cả. Một số nghiên cứu cho thấy nếu cha mẹ hay người chăm sóc bị nhiễm Hp thì có thể lây qua cho trẻ. Việc lây nhiễm qua các dịch tiết ở miệng bởi những hành động như nhai mớm cho con, nếm trước thức ăn hay dùng chung đũa muỗng.
Nhiễm Hp ở trẻ em và người lớn có điểm khác biệt nào?
Nhìn chung tỷ lệ nhiễm Hp ở trẻ em trong cộng đồng thấp hơn người lớn. Càng lớn tuổi thì khả năng mắc Hp càng cao. Một khác biệt nữa là nhiễm Hp ở trẻ em hầu như không dẫn đến các biến chứng ác tính như Ung thư dạ dày. Trẻ em sẽ có các vấn đề khác người lớn về ăn uống, sinh hoạt, uống thuốc nên việc điều trị và tuân thủ uống thuốc đúng chỉ định cũng có những khó khăn riêng. Cuối cùng, do thường xuyên mắc nhiễm trùng hô hấp trên và phải dùng kháng sinh nên gần đây tỷ lệ Hp đề kháng với kháng sinh ở trẻ em có xu hướng cao hơn người lớn.
Hp gây ra bệnh gì cho bé và làm sao phát hiện?
Khi bị nhiễm, hầu hết các trường hợp Hp gây viêm mạn tính trong dạ dày. Phần lớn cũng sẽ không biểu hiện gì đặc biệt và cứ như vậy. Như phần trên đã đề cập, hầu như chưa trường hợp nào gây ung thư dạ dày ở trẻ em do Hp, nếu có thì chỉ xảy ra khi trẻ đã lớn. Một số trường hợp (5-15%) sẽ gây loét dạ dày – tá tràng. Một số rất ít khác, Hp có thể gây ra một dạng u mô lympho trên lớp niêm mạc dạ dày (u MALT).
Triệu chứng biểu hiện của các bệnh trên có những đặc trưng riêng, nhưng thường là đau bụng: đau quanh rốn hay ở vùng thượng vị (là vùng ở giữa, nơi tiếp giáp giữa bụng và ngực, còn được gọi là “chấn thủy”), ít khi có ợ chua, đau có thể liên quan đến bữa ăn hay không. Một số trẻ bị loét dạ dày – tá tràng có thể vào viện vì nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen hôi. Đôi khi trẻ không biểu hiện gì nhiều ngoài việc ngày càng xanh xao mà không giải thích được. Những trường hợp nghi ngờ, các bác sĩ sẽ phải hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng và nếu cần sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán cần thiết và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nếu có những triệu chứng nghi ngờ, hoặc gia đình có người lớn bị viêm loét dạ dày – tá tràng do Hp, hoặc có người bị Ung thư dạ dày thì hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên ngành để được khám và tư vấn phù hợp với từng đối tượng.
Những xét nghiệm tìm Hp ở trẻ em
Nội soi dạ dày là biện pháp phổ biến, không chỉ để tìm Hp mà quan trọng hơn là đánh giá tình trạng tổn thương dạ dày, tá tràng, thực quản… Khi nội soi, bác sĩ sẽ bấm lấy một số mẫu thịt nhỏ (sinh thiết) để xem trên kính hiển vi xác định tổn thương, đồng thời tìm Hp bằng nhiều phương pháp khác nhau. Các cha mẹ thường lo lắng về việc gây mê, nội soi có quá nặng nề với bé hay không. Thực ra việc chuẩn bị nội soi diễn ra rất cẩn trọng, khám tiền mê và xét nghiệm để đánh giá bé có sẵn sàng và an toàn cho thủ thuật hay không. Gây mê nhẹ nhàng với các bé nhỏ để khi soi xong là bé cũng vừa tỉnh. Với các trẻ lớn hợp tác tốt thì chỉ cần xịt tê tại chỗ là soi được.
Hai loại xét nghiệm khác thường dùng để theo dõi sau điều trị xem Hp đã được diệt sạch hay chưa là test hơi thở và tìm kháng nguyên Hp trong phân. Loại đầu thì dùng cho trẻ lớn trên 7 tuổi, có thể hợp tác tốt, còn loại sau (thử phân) thì dùng cho trẻ nhỏ.
Test huyết thanh thì hầu như không được khuyên dùng ở trẻ em vì những hạn chế trong độ tin cậy của nó.
Nếu đã tiệt trừ sạch Hp, bé có bị nhiễm lại sau này không?
Nhiều nghiên cứu cho thấy sau đã tiệt trừ sạch sẽ vi khuẩn Hp, trẻ có thể nhiễm lại sau này trong quá trình sinh sống. Nếu lấy mốc 1 năm sau khi tiệt trừ thì số trẻ bị nhiễm lại có thể nhiều hoặc ít tùy vào điều kiện sống, sinh hoạt, chăm sóc. Trong một nghiên cứu tại Hà Nội trên 226 trẻ bị loét dạ dày – tá tràng do Hp, sau khi tiệt trừ xong thì vẫn có 23,5% bị nhiễm trở lại ở thời điểm 1 năm sau, trong đó, trẻ càng nhỏ thì khả năng nhiễm lại càng cao. Khi bị nhiễm khuẩn lại ở những trẻ này thường sẽ tái phát bệnh lý dạ dày và phải tiếp tục điều trị vi khuẩn Hp.
Biện pháp giúp giảm nguy cơ tái nhiễm Hp cho trẻ hiện nay
Thuốc kháng sinh sử dụng chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Hp trong thời gian sử dụng chứ không thể giúp phòng ngừa tái nhiễm cho bé. Trong khi đó, tỉ lệ tái nhiễm Hp sau điều trị ở trẻ em rất cao và tái nhiễm rất nhanh. Chính vì vậy, cần thiết phải có biện pháp hỗ trợ để giúp giảm nguy cơ tái nhiễm Hp sau điều trị. Kháng thể OvalgenHP của Nhật Bản là một lựa chọn phù hợp cho trẻ vì đã được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản với khả năng giúp tăng cường sức đề kháng đối với H.pylori, giúp bảo vệ và cải thiện sức khỏe và môi trường trong dạ dày.
Trong hơn 13 năm được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản trong chiến lược phòng chống Ung thư dạ dày, OvalgenHP đã giúp giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn Hp trong cộng đồng đặc biệt là ở trẻ em dưới 12 tuổi. Kết quả cho thấy đây là một lựa chọn phù hợp cho trẻ nhỏ trong việc kiểm soát vi khuẩn Hp và các bệnh do chúng gây ra.
BS. Nguyễn Anh Tuấn
Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM
Thư ký Chi hội Tiêu hóa Nhi Việt Nam
Theo alobacsi.com
Dương Thành Trung says
Tôi xét nghiệm máu có kết quả 16,39. BS nói chỉ số này dưới mức bình thường nên k nguy hiễm. Vậy các mức chỉ số HP này như thế nào. Xin chỉ giúp. Xin cảm ơn.
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Xét nghiêm máu phát hiện vi khuẩn Hp là phương pháp tìm kháng thể kháng Hp lưu hành trong máu, các kháng thể này có thể là kháng thể IgG, IgM, IgE, tùy theo xét nghiệm mà bạn thực hiện. Chỉ số dưới ngưỡng quy định thì nghĩa là bạn không nhiễm khuẩn Hp.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Vu MInh Thu says
Chào Bác sỹ,
MÌnh có con nhỏ dưới 1 tuổi, cách đây 2 tháng mình có thơm con và chót thử độ nóng của cháo bằng miệng mình rồi đút cho con, lúc đó mình không biết mình bị vi khuẩn HP.
Vậy cho mình hỏi như vậy bé nhà mình có bị nhiễm virut HP không? Muốn kiểm tra virut HP cho con bằng cách nào
Xin cảm ơn
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Vi khuẩn Hp có khả năng lây nhiễm từ bố, mẹ sang con qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên hiện tại em bé đang còn rất nhỏ nên bạn chưa cần phải kiểm tra cho con ngay. Một số biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho bé bạn có thể áp dụng như sau:
– Đầu tiên, nếu bạn có biểu hiện bệnh lý dạ dày thì nên tiệt trừ Hp triệt để nhằm điều trị bệnh lý, đồng thời loại bỏ nguồn lây nhiễm trong gia đình.
– Các thành viên trong gia đình cần giữ vệ sinh tốt, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi người có bộ dụng cụ ăn uống riêng nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua các vật dụng.
– Tránh hôn hoặc nhai mớm thức ăn cho bé.
Khi bé lớn hơn, nếu có các biểu hiện như đau bụng, ợ hơi…thì bạn mới cần đưa con đi thăm khám nhé.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe,