Đau bụng không rõ nguyên nhân hay còn gọi là đau bụng chức năng chiếm phần lớn trong số các ca đau bụng ở trẻ em, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ tình trạng này là gì.
Nội dung chính
Đau bụng chức năng là gì?
Đau bụng là một bệnh cảnh thường gặp nhất ở trẻ em, đặc trưng bởi những cơn đau bụng tái diễn. Chiếm đa số là những trường hợp đau bụng trong khi không thể giải thích bằng bất kỳ sự khác thường trên cơ thể nào khi thăm khám, xét nghiệm. Những trường hợp như vậy được gọi là đau bụng chức năng. Đau bụng chức năng là một tình trạng rất phổ biến, ước tính có khoảng 1/4 trẻ em đã từng bị đau bụng chức năng.
Đau bụng chức năng bao gồm một số dạng đau bụng mãn tính khác nhau:
- Rối loạn tiêu hóa chức năng
- Hội chứng ruột kích thích.
- Đau nửa đầu ở bụng
- Đau bụng chức năng đơn thuần
Triệu chứng đau bụng chức năng ở trẻ
Triệu chứng phổ biến nhất của đau bụng chức năng ở trẻ em là những cơn đau ở vùng quanh rốn, tuy nhiên vị trí đau bụng cũng có thể thay đổi. Cơn đau có thể xảy ra đột ngột hoặc tăng dần từ đau nhẹ đến mức độ nghiêm trọng.
Một số trường hợp trẻ đau bụng chức năng có thể bị rối loạn tiêu hóa, hoặc đau bụng trên, buồn nôn, ói mửa, hoặc cảm giác nhanh no (trẻ chỉ ăn vài miếng đã no).
Trẻ cũng có thể bị đau bụng khi đi cầu, cơn đau thường giảm sau khi đi cầu được, hoặc sự thay đổi nhu động ruột (táo bón, tiêu chảy hoặc táo bón xen lẫn tiêu chảy). Đây là những triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích (IBS).
Đau bụng chức năng có nguy hiểm hay không?
Việc trẻ kêu đau bụng liên tục có thể k hiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng về tình trạng của con mình. Các ông bố bà mẹ có thể yên tâm rằng đau bụng chức năng không nguy hiểm tới tính mạng trẻ do không có tổn thương thực thể. Tuy nhiên, đau bụng chức năng gây khó chịu và có thể tác động tiêu cực tới thể chất của trẻ. Mặt khác, đau bụng chức năng có thể liên quan tới vấn đề tâm lý (trạng thái lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác). Do đó mà trường hợp con có những triệu chứng kể trên thì cha mẹ vẫn cần đưa con tới thăm khám bác sỹ.
Nguyên nhân của đau bụng chức năng là gì?
Cho tới thời điểm hiện tại, nguyên nhân dẫn tới đau bụng chức năng chưa hoàn toàn được làm rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đau bụng chức năng có liên quan tới các tín hiệu thần kinh được tiết ra bởi ruột hoặc não, khiến cho ruột trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân gây đau. Chẳng hạn như bị đầy hơi thông thường không gây đau nhưng ở những trường hợp có sự nhạy cảm quá mức thì trẻ sẽ cảm thấy đau bụng.
Trong nhiều trường hợp, đau bụng chức năng xuất phát từ vấn đề tâm lý của trẻ. Trẻ có thể đang có vấn đề lo lắng, căng thẳng hoặc sợ hãi – điều này cha mẹ trẻ rất khó nhận thấy. Nhất là ở thời điểm trẻ bắt đầu đi học hoặc chuyển cấp là thời điểm mà trẻ có sự thay đổi tâm lý nhất định, do đó mà cũng dễ bị đau bụng chức năng nhiều hơn.
Làm gì khi con có triệu chứng đau bụng chức năng?
Để điều trị đau bụng ở trẻ nhỏ thì bước quan trọng nhất là cần có một chẩn đoán chính xác từ phía bác sỹ. Khi trẻ có dấu hiệu đau bụng với tuần suất ít nhất 4 ngày/tháng cha mẹ nên đưa con tới cơ sở y tế. Tại đây, các bác sỹ sẽ thăm khám cho trẻ để tìm hiểu nguyên nhân gây đau cụ thể, chẳng hạn như nhiễm ký sinh trùng, viêm dạ dày – ruột, nhiễm khuẩn Hp,…Trong trường hợp không tìm thấy nguyên nhân gây đau cụ thể thì trẻ có thể bị đau bụng chức năng.
Mặc dù đau bụng chức năng không có tổn thương và không nguy hiểm nhưng trẻ vẫn cần điều trị để giảm triệu chứng. Dưới đây là các phương pháp điều trị đau bụng chức năng :
Phương pháp không dùng thuốc:
- Thay đổi chế độ ăn uống: tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa, hấp thu như thực phẩm chứa Lactose và Fructose, thực phẩm chứa gluten (lúa mì); Sô cô la, caffeine, thức ăn cay và béo; thực phẩm chứa nitrit và amin; và các thuốc chống viêm không steroid. Tăng cường thực phẩm chứa chất xơ: một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi ở 60 trẻ (8–16 tuổi) bị đau bụng chức năng đã chứng minh rằng một loại chất xơ đặc biệt, được gọi là chất guar gum guar gum (PHGG), có thể có tác dụng có lợi đối với việc kiểm soát triệu chứng.
- Bổ sung probiotics: Vi sinh vật của con người được ước tính bao gồm hơn 1014 tế bào vi khuẩn, gấp mười lần số lượng tế bào của con người. Phần lớn vi sinh vật của con người sống bên trong đường tiêu hóa và chúng thực hiện các chức năng rất quan trọng sau đây: (1) tăng cường chức năng hàng rào biểu mô ruột non; (2) canh tranh chỗ bám và tiết ra các chất chống lại vi khuẩn có hại; (3) điều chỉnh đáp ứng viêm ruột; (4) làm giảm quá mẫn nội tạng liên quan đến cả tình trạng viêm và căng thẳng tâm lý; (5) thay đổi quá trình lên men đại tràng bằng cách chuyển đổi các carbohydrate chưa tiêu hóa thành các axit béo mạch ngắn và cải thiện chức năng đường ruột. Nhiều nghiên cứu đã gợi ý mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sửa đổi hệ vi khuẩn đường ruột và IBS, táo bón, tiêu chảy và đau bụng chức năng. Một số chủng probiotic khác nhau đã được thử nghiệm như là phương pháp điều trị tiềm năng cho trẻ em bị đau bụng chức năng, thường được sử dụng nhất là hai chủng Lactobacilli và Bifidobacteria. Hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công những công thức probiotics chuyên biệt dể sử dụng trong lĩnh vực này. Bạn có thể tham khảo một công thức probiotics TẠI ĐÂY.
Liệu pháp tâm lý:
Các liệu pháp tâm lý như thôi miên, châm cứu được áp dụng nhằm bình thường hóa cảm giác tại ruột, giảm cơn co thắt và giảm suy nghĩ tiêu cực của bệnh nhân về tình trạng bệnh.
Phương pháp điều trị bằng thuốc:
Tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể mà bác sỹ có thể cho trẻ sử dụng một số loại thuốc nhằm làm giảm triệu chứng liên quan tới đau bụng chức năng như thuốc chống co thắt, thuốc nhuận tràng, kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, kháng histamine, thuốc chẹn canxi…
DS. Thu Hằng
Nguồn tham khảo:
http://patients.gi.org/topics/functional-abdominal-pain-in-children/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5954057/