Viêm dạ dày cấp ở trẻ em là căn bệnh phổ biến về đường tiêu hóa và đối tượng trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi) rất dễ mắc phải bởi hệ miễn dịch yếu hơn so với những trẻ lớn. Bệnh thường gặp ở các nước đang phát triển, mật độ dân cư đông đúc, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, viêm dạ dày cấp ở trẻ em vẫn chưa được chú trọng điều trị triệt để và đúng cách. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểm thêm những thông tin về bệnh viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em và cách xử lý hiệu quả.
>>> Xem thêm: Viêm dạ dày cấp: Nguyên nhân và cách xử lý
Nội dung chính
Viêm dạ dày ruột cấp là gì?
Viêm dạ dày cấp thường chỉ kéo dài dưới 2 tuần. Bệnh thường có những biểu hiện như: tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn. Tùy vào tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh thì mức độ bệnh sẽ nặng nhẹ khác nhau.
Rủi ro chính của bệnh này là nó gây ra tình trạng mất nước, từ đó làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt là trẻ em. Ở những nước nghèo, tỉ lệ trẻ bị bệnh này là rất cao, thời gian kéo dài bệnh cũng dài hơn, triệu chứng cũng thường nghiêm trọng hơn và cũng dễ tái phát hơn.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em
Hầu hết các trường hợp Viêm dạ dày cấp ở trẻ em là do nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng và nấm, trong đó virus là chủ yếu (70%).
Viêm dạ dày ruột cấp do virus
- Có rất nhiều loại virus gây ra viêm dạ dày ruột: rotavirus, norovirus, adenovirus, astrovirus,… trong đó Roravirus là phổ biến nhất.
- Khi bị nhiễm các loại virus này thì cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể miễn dịch với chúng, kết quả ít có nguy cơ bị bệnh sau này.
- Virus dễ dàng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nhau; chính vì vậy nó thường tạo ra ổ dịch; đặc biệt ở những nơi như bệnh viện, nhà hàng, trường học, khu dân cư,…
- Ngoài ra, cũng có rất nhiều trường hợp sau khi khỏi bệnh mà vẫn có khả năng lây truyền virus cho người khác.
Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn
- Ngộ độc thức ăn cũng là nhóm nguyên nhân hay gặp. Bệnh lây truyền qua nguồn nước và thực phẩm bởi các vi khuẩn và độc tố do vi khuẩn sinh ra. Những loại vi khuẩn gây ra viêm dạ dày ruột là: Escherichia coli, Salmonella, Shigella, Campylobacter,…trong đó Escherichia coli và Campylobacter là phổ biến nhất.
- Vi khuẩn lây lan qua đường ăn uống (nước và thực phẩm).
- Nếu thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, để ở nhiệt độ phòng trong vài giờ thì chúng sẽ sinh sôi nhanh chóng và tăng nguy cơ nhiễm trùng dạ dày ruột khi ăn phải thức ăn này.
- Những thực phẩm chưa nấu chín kĩ, thực phẩm sống, gia cầm, hải sản, trứng, trái cây, sữa chua tiệt trùng,…là những loại dễ bị nhiễm nhất.
- Đôi khi chúng ta đã nấu chín kĩ, tiêu diệt vi khuẩn nhưng độc tố mà chúng sản sinh ra vẫn còn đọng lại, kết quả là gây ngộ độc thực phẩm.
Do kí sinh trùng
Những loại kí sinh trùng hay gây ra viêm dạ dày ruột cấp là: Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cryptosporidium,… Nước hoặc thực phẩm là con đường lây lan chủ yếu của chúng.
Triệu chứng của viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em
Nôn và tiêu chảy là hai triệu chứng chính, thường gặp ở trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp. Khi trẻ có biểu hiện bị tiêu chảy, phân nhiều nước và số lần đi ngoài nhiều hơn bình thường đôi khi có kèm theo dịch nhày và máu. Ngoài ra, viêm dạ dày cấp ở trẻ em còn kèm theo một số dấu hiệu sau: đau thắt bụng, sốt cao và đau mỏi toàn thân, đau đầu, chân tay.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi bị viêm dạ dày ruột cấp bạn cần đưa bé đến bệnh viện để thăm khám ngay. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ có các biểu hiện sau:
- Sốt trên 38 độ C
- Trẻ đang mắc các bệnh như bệnh tim, đái đường hoặc tiền sử đẻ non.
- Trẻ bỏ ăn uống trong khi vẫn còn nôn, tiêu chảy
- Trẻ nôn dịch màu xanh (mật) hoặc máu
- Đi ngoài phân có máu
- Đau bụng dữ dội
- Khóc ngặt không dừng, ngủ nhiều, khó đánh thức và cảm giác mệt lả hoặc li bì
- Các biểu hiện bệnh không thuyên giảm sau 24 giờ.
- Trẻ có dấu hiệu mất nước như: khát nước, môi khô, quá 6 tiếng mà bỉm vẫn khô, da khô, nhăn nheo, nhợt nhạt, mắt trũng, ít hoặc không có nước mắt khi khóc.
- Nếu bạn cảm thấy lo lắng và không đủ tự tin khi chăm sóc trẻ tại nhà thì cần đưa bé đến viện kiểm tra ngay để được can thiệp kịp thời.
Điều trị cho trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp
Chăm sóc trẻ tại nhà
Nguyên tắc cơ bản là bù lại dịch đã mất do trẻ bị nôn và tiêu chảy.
- Cho trẻ nằm nghỉ ngơi hoàn toàn
- Cho trẻ uống nhiều nước, nước canh để tránh mất nước. Nếu là trẻ sơ sinh thì tiếp tục cho bú sữa thường xuyên.
- Sử dụng dung dịch bù nước và điện giải như Oresol, Hydrite dạng gói cho trẻ em. Bạn nên cho trẻ uống theo nhu cầu cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy hoặc nôn.
- Nếu con bị nôn hoặc tiêu chảy ngay sau khi uống thuốc thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn thay thuốc.
- Nên cho con uống theo đơn của bác sỹ.
- Làm dịu dạ dày trẻ bằng một cốc trà gừng, mật ong hoặc bạc hà.
- Cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu, ban đầu là chuối, táo, cháo gà, bánh quy, sữa chua…Sau khi trẻ đã có dấu hiệu tốt hơn thì cho trẻ ăn với chế độ bình thường nhưng cần tránh thức ăn khó tiêu.
- Không cho trẻ đi học một thời gian để tránh lây nhiễm cho những người khác.
- Vệ sinh cho trẻ sạch sẽ.
Điều trị
- Thuốc chống nôn: chẳng hạn như Ondansetron, Metoclopramide để giúp giảm nôn ở trẻ.
- Thuốc kháng sinh: chỉ trong trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn và triệu chứng ở nên nghiêm trọng mới được dùng chúng.
- Truyền dịch: trong trường hợp mất nước nặng, rối loạn điện giải, trẻ sẽ cần phải được truyền dịch tại bệnh viện. Hoạt động này không nên tự ý thực hiện tại nhà.
Thuốc thường không cần thiết để điều trị viêm dạ dày cấp ở trẻ em, bởi đôi khi chúng phản tác dụng và gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Lưu ý:
- Không dùng thuốc chống tiêu chảy cho trẻ dưới 12 tuổi vì biến chứng như: táo bón, dị ứng,…
- Tránh dùng thuốc giảm đau như ibuprofen vì nó càng làm tổn hại dạ dày.
Phòng ngừa viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em
Sử dụng vắc-xin
Vi rút Rotavirus là nguyên nhân thường gặp gây ra viêm dạ dày cấp ở trẻ em, hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa virus này. Bạn nên cho trẻ sử dụng vắc xin này trước 1 tuổi.
Vệ sinh tốt
- Rửa tay thường xuyên và sạch sẽ. Tắm rửa kì cọ mỗi ngày với nước sạch.
- Nhà cửa, đồ đạc cũng cần phải được vệ sinh định kì. Nên sử dụng thuốc tẩy, xà phòng,…để sạch hơn.
- Đeo găng tay khi vệ sinh nhà cửa hoặc lao động (làm vườn, chăm sóc động vật,…).
- Không dùng chung đồ ăn, đồ vệ sinh, đồ để ăn uống,…
- Khi đi du lịch, nên uống nước và đánh răng bằng nước đóng chai.
Ăn uống an toàn
- Lựa chọn thực phẩm từ những nơi uy tín.
- Rửa sạch và nấu chín thức ăn.
- Trái cây nên được rửa bằng nước muối.
- Hạn chế cho trẻ ăn rau sống, thịt sống, thịt tái, sữa chưa tiệt trùng…
- Nên uống nước đun sôi để nguội.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về bệnh viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em. Hi vọng rằng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc phòng ngừa và điều trị cho con mình khi bị viêm dạ dày ruột cấp tính.
Thu hằng says
Con e bị tiêu chảy 3 ngày vẫn chưa hết.ngày đi 4 lần.có nguy hiểm ko ạ.có đi khám bs chuẩn đoán bị viêm dạ dày ruột cấp.uống thuốc vẫn chưa thấy thuyên giảm
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Không rõ bé được chẩn đoán viêm dạ dày ruột do nguyên nhân gì? Hiện bé đang sử dụng những loại thuốc nào để điều trị?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em là do virus, nhưng cũng có khi là do nhiễm khuẩn hoặc kí sinh trùng. Đối với tiêu chảy do nhiễm khuẩn hoặc kí sinh trùng có thể sử dụng tới các loại kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, đối với tiêu chảy do virus thì không có thuốc đặc trị. Thông thường sau 5-7 ngày khi các virus và độc tố bị đẩy ra ngoài thì các triệu chứng tiêu chảy mới giảm. Trong quá trình này bạn cần hết sức lưu ý tránh mất nước cho bé bằng cách sử dụng dung dịch bù nước, điện giải (oresol), bổ sung kẽm và men vi sinh, dùng thuốc hạ sốt nếu con bị sốt nhé!
Chúc bé mau khỏe,