Trẻ nhiễm khuẩn Hp dạ dày tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây, kéo theo đó là sự gia tăng các bệnh lý viêm, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu mạn tính ở trẻ. Việc điều trị cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng vi khuẩn kháng thuốc gia tăng và trẻ không thể tuân thủ điều trị do tác dụng phụ của các phác đồ.
Nội dung chính
Nhiễm khuẩn Hp – nguyên nhân chính gây bệnh lý dạ dày ở trẻ
Theo kết quả điều tra dịch tễ học năm 2016, tỉ lệ trẻ nhiễm khuẩn Hp tại Việt Nam là khoảng 40%, và trẻ có xu hướng nhiễm Hp từ rất sớm. Kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: có 70% trong trẻ nhiễm Hp mắc viêm dạ dày mạn, tới 95% bị loét tá tràng và chỉ có 23% trong số đó không có tổn thương niêm mạc dạ dày[1]. Như vậy, nhiễm khuẩn Hp có mối liên quan mật thiết tới bệnh lý dạ dày ở trẻ và việc tiệt trừ Hp là cần thiết.
Vậy hiện nay phương pháp điều trị và hiệu quả của các phác đồ diệt Hp cho trẻ em mang lại hiệu quả ra sao?
Các phác đồ điều trị hiện nay không mang lại hiệu quả như mong đợi
Tại Hội nghị nhi khoa toàn quốc tháng 11/2016, báo cáo của TS. Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa tiêu hóa – Bệnh viện Nhi trung ương và các cộng sự cho thấy hiệu quả điều trị của 2 phác đồ diệt Hp ở trẻ (amoxicillin, lansoprazole, clarithromycin hoặc metronidazole) đều thấp như nhau và chỉ đạt 66,7% [1]. Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc tiệt trừ Hp ở trẻ không đem lại hiệu quả cao, trong đó phải kể đến:
- Tình trạng kháng kháng sinh gia tăng: tình trạng vi khuẩn Hp kháng kháng sinh không chỉ diễn ra ở đối tượng bệnh nhân người lớn mà với trẻ em cũng đang gia tăng ở mức báo động. Nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện trên trẻ trong độ tuổi từ 2-15 cho thấy, tỉ lệ kháng nguyên phát của Hp đối với clarithromycin là 73%, metronidazol là 25% [2]. Trong khi đó các kháng sinh tetracyclin và levofloxacin có tỉ lệ kháng thấp hơn nhưng chống chỉ định cho trẻ bởi chúng gây ra những nguy hại trên hệ xương, sụn của trẻ.
- Khó tuân thủ điều trị: sử dụng thuốc cho đối tượng trẻ nhỏ chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Bên cạnh đó tác dụng không mong muốn của các phác đồ tiệt trừ Hp, đặc biệt là phác đồ 4 thuốc có bismuth là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân khó lòng tuân thủ điều trị, dẫn tới phác đồ không đạt hiệu quả như mong muốn và làm gia tăng tình trạng vi khuẩn Hp kháng thuốc.
- Tỉ lệ trẻ tái nhiễm Hp cao: do thói quen ăn uống và ý thức giữ gìn vệ sinh ở trẻ còn thấp nên tỉ lệ tái nhiễm Hp ở trẻ nhỏ rất cao, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi. Tỷ lệ tái nhiễm Hp sau 12 tháng ở những trẻ đã được điều trị diệt Hp thành công lên tới 55,4% ở nhóm trẻ 3-4 tuổi ; 12,9% ở trẻ 9-15 tuổi [1].
Nguy cơ tiềm tàng của nhiễm Hp ở trẻ nhỏ
Có một câu hỏi đặt ra là: nếu việc điều trị khó khăn như vậy và sau khi điều trị thành công trẻ lại tái nhiễm Hp thì việc tiệt trừ Hp có ý nghĩa hay không? Chúng ta có thực sự cần phải tiệt trừ Hp cho trẻ nhỏ? Tuy nhiên suy nghĩ đó chỉ xuất phát từ sự bất lực của các phác đồ tiệt trừ Hp hiện nay mà thôi. Nếu chúng ta bỏ mặc không tiệt trừ Hp ở trẻ thì có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng:
- Gây tình trạng viêm loét dạ dày mạn tính, tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở tuổi trưởng thành. Một số trường hợp trẻ nhiễm khuẩn Hp bị U mô lympho trên lớp niêm mạc dạ dày (u MALT) khi lớn lên.
- Gây ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loét, thủng dạ dày ở trẻ.
- Có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu mạn tính; trẻ xanh xao, dinh dưỡng kém ảnh hưởng tới phát triển thể chất và khả năng học tập về lâu dài.
Chính vì những lý do trên mà các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực trên hành trình tìm kiếm giải pháp mới cho vấn đề tiệt trừ Hp. Việc nghiên cứu thành công kháng thể chống vi khuẩn Hp (OvalgenHP) là một bước tiến khả quan của các nhà khoa học Nhật Bản. Kháng thể OvalgenHP làm thay đổi môi trường trong dạ dày dẫn tới giảm khả năng sống của vi khuẩn Hp tại dạ dày, ngăn cản sự bám dính của vi khuẩn vào niêm mạc dạ dày[3]. Đặc biệt Ovalgen HP gây phá vỡ cấu trúc màng tế bào vi khuẩn Hp, làm cho vi khuẩn Hp dễ dàng bị tiêu diệt hơn bởi kháng sinh, chính vì vậy OvalgenHP vẫn có hiệu quả ngay cả với vi khuẩn đã kháng kháng sinh trước đó[4]. Kháng thể OvalgenHP hứa hẹn là một vũ khí lợi hại giúp chống lại nguy cơ Hp kháng thuốc và tình trạng nhiễm Hp ở trẻ em ngày càng gia tăng.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Văn Bàng và cs. Nhiễm Hp ở trẻ em Việt nam: đặc điểm dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị. Hội nghị khoa học nhi khoa toàn quốc lần thứ 22.Tháng 11/2016 ( Nhóm nghiên cứu Đại học Y Hà nội và Viện vệ sinh dịch tễ TƯ)
- Lê Thị Minh Hồng và cs. Đề kháng kháng sinh nguyên phát ở trẻ em viêm loét dạ dày tá tràng do H.pylori. Hội nghị khoa học nhi khoa toàn quốc lần thứ 22.Tháng 11/2016 ( Nhóm nghiên cứu BV Nhi đồng 2 và Đại học Y khoa Phậm Ngọc Thạch).
- Suzuki H et al. Helicobacter Reseach Vol.10; No.4.2016 : 48-54.
- Umeda K et al. Proceedings of Probiotic symposium , Japan.2010