Đau dạ dày là một bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến và ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của không ít người. Sử dụng thuốc là biện pháp đầu tiên được áp dụng để điều trị đối với chứng bệnh viêm loét dạ dày, tuy nhiên dùng thuốc như thế nào cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn tổng hợp những loại thuốc phổ biến nhất trong đơn thuốc chữa đau dạ dày cũng như nguyên tắc sử dụng chúng.
Nội dung chính
1. Thuốc ức chế tiết acid dạ dày
Theo thống kê hiện nay, thuốc ức chế tiết acid dạ dày chính là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Điều này phản ánh hiệu quả tốt, tính an toàn của nhóm thuốc này cũng như tỉ lệ người cần sử dụng thuốc điều trị đau dạ dày rất cao. Thuốc ức chế tiết acid dạ dày gồm 2 nhóm chính được phân loại theo cơ chế tác dụng của chúng, đó là nhóm ức chế bơm proton – PPI (gồm các dược chất như Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Rabeprazole…) và nhóm thuốc kháng H2 (gồm các dược chất như Cimetidine, Rantidine, famotidin, nizatidin).
Thuốc giảm tiết acid dạ dày có tác dụng ức chế tế bào thành dạ dày tiết ra acid, nhờ đó giúp ngăn cản lượng acid dư thừa tấn công vào vị trí viêm loét, tạo điều kiện chữa lành các tổn thương trên niêm mạc dạ dày. Đại đa số các trường hợp bệnh lý dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản đều có sự tăng tiết acid (trừ một số trường hợp viêm teo dạ dày), do đó cần sử dụng tới loại thuốc này.
Mặc dù đây là loại thuốc được dùng phổ biến nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng sai cách. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn nếu như bạn đang dùng loại thuốc này:
- Hoạt chất của nhóm thuốc ức chế tiết acid dạ dày dễ bị phân hủy bởi acid dịch vị, do vậy các biệt dược trên thị trường, nếu là thuốc viên sẽ được bào chế dạng viên bao tan trong ruột. Do vậy khi uống bệnh nhân cần nuốt nguyên viên, không được bẻ viên thuốc.
- Thuốc cần uống bữa ăn từ 30-60 phút mới phát huy được hiệu quả tốt nhất.
- Thuốc có liều dùng khác nhau phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mục tiêu điều trị. Đối với người bị bệnh lý dạ dày do nhiễm khuẩn Hp (H.pyolri), thuốc ức chế tiết acid dạ dày được đưa vào phác đồ tiệt trừ Hp bắt buộc phải dùng liều 2 lần/ngày thay vì 1 lần/ngày như trong bệnh lý dạ dày không phải do nhiễm Hp.
2. Thuốc kháng sinh điều trị đau dạ dày
Kháng sinh tất nhiên chỉ được dùng khi có nhiễm khuẩn. Do vậy nếu đơn thuốc dạ dày của bạn có các kháng sinh chứng tỏ bạn đang bị bệnh dạ dày có nhiễm khuẩn Hp. Trên thực tế vi khuẩn Hp có mặt trong hơn 70% các ca bệnh dạ dày, chính vì vậy việc sử dụng kháng sinh cũng phổ biến không kém cạnh các loại thuốc khác trong điều trị bệnh lý dạ dày. Các loại kháng sinh được dùng trong Phác đồ điều trị bệnh dạ dày do nhiễm khuẩn Hp bao gồm: amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tinidazole, tetracyclin, levofloxacin.
Tuy nhiên vẫn có khá nhiều bệnh nhân không hiểu rõ tại sao kháng sinh lại được sử dụng liều nặng như vậy trong điều trị bệnh đau dạ dày nên tự ý không sử dụng hoặc chủ quan quên liều, uống không đúng giờ hoặc uống thấy mệt thì lại ngưng. Điều này rất nguy hiểm vì vô tình làm cho liều kháng sinh không đủ, có thể dẫn tới thất bại điều trị và tạo cơ hội cho khuẩn Hp kháng thuốc.
3. Thuốc trung hòa acid dạ dày
Thuốc trung hòa acid dạ dày bản chất là các hợp chất có tính kiềm, khi uống vào sẽ tác dụng ngay lập tức với acid trong dạ dày làm trung hòa bớt acid khiến bệnh nhân cảm thấy giảm bớt cơn đau, nóng rát đang hoành hành một cách nhanh chóng. Tuy nhiên thuốc chỉ trung hòa acid trong thời gian ngắn mà không kiểm soát kéo dài được giống như nhóm thuốc ức chế tiết acid dạ dày. Trên thị trường có thể thấy nhiều loại thuốc thuộc nhóm trung hòa acid dạ dày chứa Nhôm hydroxyd, Magnesi hydorxyd, Natri bicarbonat, Canxi carbonat.
Vì thuốc có tác dụng nhanh và được bán phổ biến nên khá nhiều bệnh nhân đang lạm dụng, hoặc hiểu nhầm về tính an toàn của loại thuốc này. Trên thực tế, không phải ai cũng có thể dùng thuốc và nếu dùng kéo dài có thể gây ra tác hại. Dưới đây là một số lưu ý:
- Người có bị suy thận: tuyệt đối không được sử dụng chế phẩm có chứa Nhôm hydroxyd vì sẽ gây ra suy thận nặng hơn.
- Phụ nữ mang thai: không được sử dụng thuốc trung hòa acid dịch vị có chứa bicarbonat (Natri bicarbonat) do có thể gây nhiễm kiềm chuyển hóa ở mẹ và thai nhi.
- Thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị trong thời gian ngắn, nếu dùng thường xuyên có thể gây phản ứng dội ngược (tức là dạ dày sẽ tiết acid nhiều hơn bình thường); làm thay đổi môi trường pH trong dạ dày khiến dạ dày bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm; chỉ giảm triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân khiến cho bệnh trầm trọng hơn.
4. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có tác dụng làm tăng tiết nhầy bảo vệ dạ dày, hoặc che phủ giúp bảo vệ vùng tổn thương khỏi sự tấn công của acid dạ dày. Một số loại hay được dùng có thể kể tới như rebamipide, sucralfate, bismuth.
Do có tác dụng che phủ niêm mạc đường tiêu hóa nên các thuốc thuộc nhóm này có thể làm cản trở hấp thu một số dược chất khác. Vậy nên cần lưu ý tới phân chia thời gian sử dụng khi cần uống cùng các loại thuốc khác.
5. Thuốc an thần
Tưởng chừng không liên quan nhưng thuốc an thần vẫn xuất hiện trong một số đơn điều trị đau dạ dày và sự có mặt của chúng hoàn toàn hợp lý chứ không phải phi lý như nhiều người nghĩ. Khoa học đã chứng minh yếu tố thần kinh có thể ảnh hưởng tới bệnh lý dạ dày. Do vậy, căng thẳng, stress chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh dạ dày. Đối với những bệnh nhân bị bệnh dạ dày mà hay lo âu, stress hoặc hay mất ngủ thì rất khó có thể điều trị tốt, do vậy mới cần dùng tới thuốc an thần, chẳng hạn levosulpiride, rotundin (chiết xuất cây bình vôi)…
6. Thuốc giảm triệu chứng khác
Khi mắc bệnh lý dạ dày, ngoài cơn đau bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng đau dạ dày khó chịu khác như đầy hơi, khó tiêu, chậm tiêu hóa thức ăn, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn. Tùy vào triệu chứng lâm sàng của mỗi bệnh nhân thầy thuốc có thể chỉ định thêm các thuốc giúp giảm triệu chứng như simethicon (chống đầy hơi), domperidon (điều hòa nhu động đường tiêu hóa, giúp giảm nôn, buồn nôn), các thuốc giảm đau do co thắt cơ trơn như drotaverin, pappaverin…
Trên đây là những nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh dạ dày phổ biến nhất hiện nay. Có thể thấy mỗi loại thuốc cần phải được sử dụng đúng cách, đúng mục tiêu mới đem lại hiệu quả trị bệnh. Do vậy khi điều trị bệnh nhân cần phải có thầy thuốc tư vấn, cũng như nghiêm túc tuân thủ theo hướng dẫn để có thể sớm khỏi bệnh.
DS Minh Tâm
Hạnh says
E bị xung huyết viêm trượt hang vị dạ dày. Có hp dương tính. E khám tuyến huyện liệu test hp có chuẩn ko ah. Vì cũng có lần khám ở bạch mai thì bác sĩ bảo hp âm tính
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Nội soi dạ dày làm Clotest là một phương pháp xét nghiệm kiểm tra HP có độ chính xác khá cao. Tuy nhiên, bất kể loại xét nghiệm nào cũng có thể xảy ra sai lệch kết quả do một số yếu tố như:
– Nếu đọc kết quả quá sớm hoặc vị trí lấy mẫu không có HP thì kết quả có thể bị âm tính giả (nghĩa là bạn có HP nhưng kết quả xét nghiệm lại là âm tính)
– Đầu ống nội soi khi đi qua khoang miệng bị dính phải một số vi khuẩn tiết men urease tương tự như H pylori thì kết quả bị dương tính giả (nghĩa là bạn không có HP nhưng kết quả xét nghiệm lại dương tính).
Một trường hợp nữa cũng có thể dẫn tới sự sai khác kết quả xét nghiệm giữa hai cơ sở đó là bạn mới bị nhiễm khuẩn HP trong thời gian gần đây. Vi khuẩn HP có thể bị lây nhiễm qua đường tiêu hóa, vậy nên bạn hoàn toàn có thể bị lây nhiễm HP từ những người khác, hoặc thực phẩm không hợp vệ sinh.
Nếu chưa yên tâm về kết quả này, bạn có thể làm thêm 1 xét nghiệm khác (như test thở) để kiểm chứng lại.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Phạm. Như Quỳnh says
Em muốn hỏi bs là chồng em bị đau dạ dày có thuốc gì điều trị ko ạ
Một
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh lý dạ dày như vi khuẩn Hp, stress, sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt, môi trường, yếu tố di truyền… Tùy từng nguyên nhân cụ thể mà có cách điều trị khác nhau. Do vậy mà trước tiên chồng bạn cần tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tiêu hóa để thăm khám. Nếu đã thăm khám bạn hãy gửi lại kết quả nội soi, xét nghiệm vi khuẩn HP và đơn thuốc để chúng tôi tư vấn kỹ càng hơn.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Hoàng Lan says
cần hỗ trợ gấp xin cám ơn
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Bạn vui lòng chủ động gọi hotline 0986316151 để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhé.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Minh anh says
Phân loại nhóm thuốc dạ dày
Thu my says
Da cho e hỏi e bị sung huyết da day bs kê đơn thuốc uống 5 hôm rồi em bị mất ngủ liền tục e có nên ngừng thuốc ko a
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Bạn gửi lại đơn thuốc mình có thông tin tư vấn cho bạn nhé
Nguyễn văn trung says
Ợ chua, đau, đầy bụng
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Ợ chua và đầy bụn là hai triệu chứng thường gặp ở bệnh lý dạ dày. Nếu bạn đang có những triệu chứng này thì nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Chúc bạn mạnh khỏe,