Sử dụng thuốc đau dạ dày cho phụ nữ mang thai là một vấn đề vô cùng phức tạp, cần có chuyên môn cao. Trong khi rất nhiều bà mẹ khi mang thai gặp các vấn đề liên quan tới tiêu hóa như nôn, trào ngược, hoặc viêm loét dạ dày trong thời kỳ mang thai thì việc trang bị những kiến thức tối thiểu về vấn đề này sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho bản thân và em bé trong bụng.
Nội dung chính
Sử dụng thuốc dạ dày trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng gì không?
Không chỉ riêng thuốc dạ dày mà bất kể một loại thuốc nào cũng cần được cân nhắc rất kỹ trước khi sử dụng cho phụ nữ mang thai. Đa số các loại thuốc khi đưa vào cơ thể người mẹ sẽ được hấp thu, phân bố vào máu tới các cơ quan khác nhau và tất nhiên em bé trong bụng sẽ nhận một phần thuốc. Một số loại thuốc có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bình thường, hoặc thậm chí là tính mạng của em bé và bà mẹ. Minh chứng lớn nhất cho sự nghiêm trọng về tác động của thuốc tới thai nhi đó là thảm họa Thalidomide cách đây hơn 50 năm, khiến cho 10.000-20.000 trẻ em bị ảnh hưởng (dị tật bẩm sinh).
Tuy nhiên cũng có những loại thuốc không được hấp thu vào tuần hoàn, hoặc sử dụng ngắn hạn trong thời gian mang thai vẫn an toàn cho bé và giúp bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ. Vì vậy trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho phụ nữ mang thai cũng cần hỏi ý kiến của người có chuyên môn.
Khi nào thì phụ nữ mang thai cần sử dụng thuốc dạ dày?
Nguyên tắc đầu tiên của việc sử dụng thuốc dạ dày cho phụ nữ mang thai đó là “An toàn là ưu tiên số 1” – an toàn cho cả bà mẹ và an toàn cho cả thai nhi. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều loại thuốc buộc phải dùng trong điều trị mà chưa có đầy đủ dữ liệu về tính an toàn. Khi đó, mọi yếu tố được đưa lên bàn cân và việc quyết định có sử dụng thuốc điều trị hay không, sử dụng thuốc nào dựa trên các phương diện:
- Chỉ sử dụng thuốc điều trị khi lợi ích thu được lớn hơn nguy cơ có thể gặp phải. Chẳng hạn trong trường hợp bà mẹ bị loét, chảy máu dạ dày nếu không can thiệp có thể nguy hiểm tới tính mạng. Khi đó lợi ích điều trị lớn hơn nguy cơ mang lại và bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc điều trị. Những trường hợp viêm dạ dày ở mức độ nhẹ có thể trì hoãn cho tới khi bà mẹ sinh em bé xong mới điều trị.
- Trong cùng một nhóm thuốc điều trị, ưu tiên sử dụng những loại thuốc có nhiều dữ liệu an toàn trên phụ nữ mang thai.
- Sử dụng thuốc với hàm lượng tối thiểu và thời gian ngắn nhất có thể.
Để tránh sự lo lắng không cần thiết, khi được kê đơn thuốc người bệnh nên hỏi thầy thuốc để nắm được những lợi ích và nguy cơ của việc dùng thuốc.
Những loại thuốc dạ dày nào co thể dùng và loại nào không nên dùng cho phụ nữ mang thai?
Thuốc điều trị viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản:
Loét dạ dày là bệnh hiếm gặp trong thời gian mang thai, nhưng trào ngược dạ dày lại xuất hiện phổ biến hơn với 40-80% phụ nữ mang thai phải trải qua các triệu chứng trào ngược. Biện pháp đầu tiên để kiểm soát trào ngược đó chính là điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh các loại thực phẩm. Tuy nhiên, có những trường hợp trào ngược dạ dày hoặc loét dạ dày cần điều trị với thuốc.
Một số biệt dược thuộc nhóm thuốc giảm tiết acid dạ dày trên thị trường
- Thuốc ức chế tiết acid dạ dày nhóm kháng H2: gồm các dược chất là cimetidin, rantidin, famotidin và nizatidin. Những loại thuốc được đánh giá khá an toàn cho thai kỳ và có thể sử dụng khi cần thiết. Trong nhóm thuốc này, rantidin được ưu tiên lựa chọn do có nhiều bằng chứng về độ an toàn hơn cả.
- Thuốc ức chế tiết acid dạ dày nhóm PPI (ức chế bơm proton) gồm các dược chất như omeprazole, esomeprazole, pantoprazole, lansoprazole, rabeprazole. Các báo cáo cho thấy esomeorazole, pantoprazole, lansoprazole, rabeprazole an toàn đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên omeprazole lại cho thấy có khả năng gây tổn thương tới thai nhi trong nghiên cứu trên động vật.
- Thuốc kháng acid (trung hòa acid) được sử dụng phổ biến để giảm nhanh các triệu chứng do loét dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Các chế phẩm lưu hành trên thị trường thường đóng gói dạng gel hoặc gói bột, viên, viên nhai. Trong đó các chế phẩm có chứa Nhôm hydroxyd, Magnesi hydorxyd được cho là an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên cần hết sức lưu ý đối với sản phẩm có chứa Natri bicarbonat vì chúng có khả năng gây nhiễm kiềm chuyển hóa ở cả mẹ và thai nhi.
- Bismuth subsalicylate: có tác dụng bao phủ ổ loét rất tốt, đồng thời có khả năng diệt Hp. Tuy nhiên, sử dụng bismuth kéo dài trong thai kỳ có thể dẫn tới dị tật bẩm sinh, đóng sớm ống động mạch tử cung dẫn tới chậm phát triển thai nhi. Chính vì những nguyên nhân trên, bismuth được khuyến cáo không nên dùng trong thai kỳ.
Thuốc tiệt trừ vi khuẩn Hp:
- Phác đồ tiệt trừ Hp: gồm các kháng sinh (amoxicillin, clarithromycin, tetracyclin…) phối hợp cùng PPI. Mặc dù vi khuẩn Hp có khả năng ảnh hưởng nhất định tới thai kỳ, nhưng nguy cơ ảnh hưởng không nhiều, trong khi sử dụng phác đồ sẽ tiềm ẩn khả năng gây dị tật hoặc tác dụng không mong muốn trên thai nhi. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo không sử dụng phác đồ tiệt trừ Hp trong thời gian mang thai.
Xem thêm: Nhiễm khuẩn Hp khi mang thai có nguy cơ gì?
Thông thường, với những trường hợp nhiễm khuẩn HP gây ra tổn thương viêm, loét dạ dày và biểu hiện thành triệu chứng thì chỉ sử dụng thuốc giảm tiết acid dạ dày và trung hòa acid dạ dày trong thời gian ngắn hạn để giảm bớt triệu chứng cũng như thúc đẩy làm lành vết loét. Việc tiệt trừ Hp sẽ được trì hoãn cho tới khi sinh em bé xong. Tuy nhiên, như đã đề cập bên trên, vi khuẩn Hp có khả năng gây ra những ảnh hưởng nhất định tới bà mẹ và thai nhi, vì vậy có thể cân nhắc sử dụng các chế phẩm an toàn hơn với mục đích ức chế, hoặc giảm tải lượng Hp nhằm ngăn chặn những nguy cơ, cũng như giảm triệu chứng đau dạ dày cho bà mẹ.
- Biện pháp hỗ trợ – Kháng thể OvalgenHP: đây là một chế phẩm có tác dụng ức chế men urease của vi khuẩn Hp, thông qua đó giúp tăng sức đề kháng đối với H.pylori; giúp bảo vệ, cải thiện sức khỏe và môi trường trong dạ dày, đặc biệt trợ giúp bệnh nhân trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày do H.pylori và có thể sử dụng cho mọi đối tượng bao gồm cả trẻ em và người lớn. Kháng thể OvalgenHP chỉ tác động tại dạ dày mà không hấp thu vào máu, do đó hoàn toàn không đi qua hàng rào nhau thai tới em bé. OvalgenHP có nguồn gốc từ lòng đỏ trứng gà, vì vậy những bà mẹ dị ứng với trứng gà thì không nên sử dụng.
OvalgenHP là một chế phẩm hỗ trợ điều trị bệnh lý dạ dày do nhiễm khuẩn Hp an toàn cho PNMT
Thảo dược trị đau dạ dày có phải là an toàn?
Một sai lầm khá phổ biến của nhiều bệnh nhân, trong đó có cả các chị em phụ nữ mang thai đó là cho rằng cứ là thảo dược thì an toàn. Trên thực tế, thảo dược không tuyệt đối an toàn như bạn vẫn nghĩ. Dưới đây là một số loại thảo dược cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai:
Củ nghệ (hoạt chất curcumin):
Các quan sát cho thấy việc sử dụng một lượng nghệ nhỏ như gia vị nấu ăn là an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu sử dụng nghệ hoặc hoạt chất curcumin với lượng lớn có thể gây tăng co thắt cơ trơn tử cung dẫn tới sảy thai; làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt nếu sử dụng ở thời điểm gần sinh có thể dẫn tới mất máu quá nhiều và tử vong ở bà mẹ. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra nghệ có tác động giống như estrogen (hormon sinh dục nữ). Do đó sử dụng nghệ trong thời gian mang thai có thể làm mất cân bằng nội tiết tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Hoạt chất curcumin từ nghệ có thể tác động xấu trên thai kỳ nếu sử dụng lượng lớn
Cây bình vôi (hoạt chất rotundine):
Cây bình vôi thường có mặt trong nhiều chế phẩm đông y trị bệnh dạ dày do có tác dụng an thần (sử dụng điều trị bệnh dạ dày do stress). Hiện nay chưa có bất kỳ dữ liệu an toàn của hợp chất này khi sử dụng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, rotundine là thuốc hướng thần nên nếu sử dụng trong thai kỳ có thể ảnh hưởng tới thai nhi, sử dụng nhiều trong ba tháng cuối dễ dẫn tới lệ thuộc thuốc (gây nghiện) ở em bé. Vì vậy tốt nhất trong thời gian mang thai nên tránh các chế phẩm có chứa rotundine.
Ngoài ra, rất nhiều dược liệu có thể bị nhiễm kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của em bé. Chính vì vậy trước khi sử dụng bất kỳ thảo dược nào bạn cũng nên tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ và hỏi sự tư vấn của chuyên gia y tế.
Hy vọng các thông tin chúng tôi cung cấp hữu ích đối với nhiều chị em phụ nữ mang thai. Chúc các mẹ có một thai kỳ thật mạnh khỏe và vẹn tròn!
DS. Minh Tâm
Tài liệu tham khảo:
- Therapy Insight: drugs for gastroitestinal disorders in pregnant women, Nature Clinical Practice Gastroenterology & Hepatology volume3, pages256–266 (2006)
- Cơ sở dữ liệu kê đơn thuốc cho phụ nữ mang thai và cho con bú của Mỹ (https://www.drugs.com/pregnancy/)
- Kê đơn thuốc cho phụ nữ mang thai Prescribing in Pregnancy, Fourth Edition
- Sử dụng nghệ ở phụ nữ mang thai – những lợi ích và tác hại https://www.natureword.com/turmeric-in-pregnancy-benefits-and-side-effects/
Ngo anh tuyet says
Minh thai 5 tuan bac di kham kết luận bị trào nguọc dạ day , minh lên uóng thuóc ji
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Mọi việc sử dụng thuốc khi mang thai cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sỹ, bạn không nên tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định từ bác sỹ chuyên khoa.
Đối với bệnh lý trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai, một số loại thuốc sau có thể cân nhắc sử dụng:
– Thuốc trung hòa acid dạ dày: gastropulgite, gaviscon…Những loại thuốc này có tác dụng trung hòa acid dạ dày trong thời gian ngắn hạn và có thể tạo 1 lớp màng phủ trên bề mặt dung dịch để ngăn trào ngược.
– Thuốc ức chế bơm proton: esomeprazole, omeprazole…
– Thuốc kháng h2: cimetidin…
Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập ở trên thì những loại thuốc này chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết và phải sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
Chúc bạn một thai kì mạnh khỏe,
Đỗ Thị Ngọc Ánh says
Chào bác sĩ, E mang thai tuần thứ 27, đau dạ dày đã lâu, sau khi mang thai thì đau nhiều hơn, hiện nay ợ hơi nhiều, ợ liên tục kèm ợ nóng, đau, nóng rát vùng dạ dày, nên điều trị loại thuốc nào và điều trị như thế nào ạ?
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh lý dạ dày khi mang thai đều chưa được điều trị ngay vì các thuốc điều trị có nguy cơ ảnh hưởng tới em bé. Thay vì điều trị thì một số biện pháp khác có thể được áp dụng nhằm giảm triệu chứng, ngăn chặn tiến triển của bệnh trong thời gian này:
– Trường hợp đau dạ dày không nhiễm khuẩn Hp nên biện pháp giảm triệu chứng đau tạm thời có thể sử dụng thuốc trung hòa acid dịch vị như Yumagel, Gastropulgite…; thuốc giảm tiết acid dịch vị trong một khoảng thời gian ngắn hạn. Tốt nhất khi sử dụng các loại thuốc này bạn phải có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa.
– Trường hợp đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP: bạn có thể sử dụng kháng thể kháng HP là OvalgenHP, liều dùng 2 gói/ngày chia 2 lần sau ăn liên tục trong 6-12 tuần. Kháng thể OvalgenHP tác dụng tại niêm mạc dạ dày, không hấp thu vào máu nên sử dụng an toàn cho phụ nữ mang thai, miễn là không có tiền sử dị ứng với trứng gà thì bạn có thể yên tâm sử dụng.
Ngoài ra bạn nên chú ý xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để khắc phục những triệu chứng đau dạ dày khi mang thai. Bạn tham khảo thêm chi tiết trog bài viết: Đau dạ dày khi mang thai nên xử lý ra sao?
Chúc bạn một thai kì mạnh khỏe,