Viêm dạ dày là một căn bệnh tương đối phổ biến ở nước ta và ngày càng có dấu hiệu gia tăng do lối sống và thói quen sinh hoạt thường ngày. Hãy cùng chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu những kiến thức cần biết về bệnh lý này để phòng và hỗ trợ điều trị một cách tốt nhất.
Nội dung chính
Viêm dạ dày là gì?
Có thể định nghĩa viêm dạ dày là tên gọi chung cho một nhóm các vấn đề có liên quan đến sự viêm nhiễm và tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Đây là kết quả của quá trình nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra hoặc do các yếu tố tác động khác, như rượu, thuốc giảm đau hay căng thẳng tâm lý quá độ.
Viêm dạ dày thường có 2 dạng là cấp tính hoặc mãn tính. Trong một số trường hợp, bệnh lý này có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Tuy nhiên đối với hầu hết mọi người, tình trạng viêm dạ dày thường được cải thiện nhanh chóng thông qua một quá trình điều trị và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày, trong đó có thể kể đến là do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Theo thống kê, có đến một nửa dân số trên thế giới bị viêm dạ dày mãn tính do bị lây nhiễm loại vi khuẩn này.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân phổ biến khác cũng có thể dẫn đến bệnh viêm dạ dày như sử dụng nhiều bia rượu và lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Thêm vào đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt thất thường cũng khiến cho quá trình bài tiết dịch vị tiêu hóa trong dạ dày bị rối loạn, dẫn đến tăng tiết acid gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Căng thẳng tâm lý cũng khiến bạn dễ bị viêm dạ dày cấp tính và mãn tính nếu tình trạng đó kéo dài.
Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày
Đa số các trường hợp bệnh nhân viêm dạ dày thường gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Đau âm ỉ hoặc nóng rát vùng thượng vị
- Ợ chua, ợ nóng
- Đầy bụng khó tiêu
- Chán ăn, cảm giác không ngon miệng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Trọng lượng cơ thể giảm sút
Bên cạnh đó, người bệnh có thể không có các biểu hiện rõ ràng nào hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý toàn thân khác. Trong trường hợp này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc trực tiếp đến thăm khám để có phương hướng điều trị hiệu quả nhất.
Cách thức chẩn đoán
Cách để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày chính xác và thường được áp dụng phổ biến nhất là nội soi. Hình ảnh có được từ nội soi phản ánh rõ nét các tổn thương thực thể trên niêm mạc dạ dày. Các bác sĩ sẽ kết hợp xét nghiệm xem có sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày của bạn hay không. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu và chụp X-quang cũng sẽ giúp đưa ra được kết luận bạn có viêm dạ dày hay không.
Điều trị viêm dạ dày
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Tuy nhiên, cách thức điều trị cơ bản nhất đó chính là kết hợp thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn (nếu có), thuốc kháng acid và thuốc giảm đau.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc có tác dụng hỗ trợ làm giảm các tác nhân nhân gây bệnh khác như mất ngủ, stress, trầm cảm cũng sẽ được sử dụng để quá trình chữa bệnh đạt được hiệu quả cao hơn.
Viêm dạ dày là một bệnh lý có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thường ngày. Chính sự thất thường, không điều độ và phản khoa học đã phá vỡ hệ thống phòng thủ cũng như quy luật hoạt động tự nhiên của dạ dày.
Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc và tuân thủ đúng thời gian cũng như liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân viêm dạ dày cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt. Ăn đúng giờ, không để quá no hoặc quá đói, tránh xa các chất kích thích là cách để bạn nói không với chứng bệnh viêm dạ dày.
Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là hãy đến ngay các phòng khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách khi các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày chỉ mới chớm xuất hiện, vì nếu để chuyển sang dạng mãn tính sẽ khó chữa khỏi dứt điểm và dễ dẫn đến các biến chứng đáng tiếc. Chúc các bạn luôn vui khỏe!
Xem thêm: Cách chữa bệnh viêm dạ dày
Theo Gastimunhp.vn
Hồ trúc says
Cho e hỏi bị hp có gây vướng nà nghẹn ở cổ họng không. Giống như bị mắc cổ vậy ạ
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Hiện tượng nghẹn vướng ở cổ họng có thể gợi ý đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên nhiễm vi khuẩn HP không gây ra bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản nhưng bệnh này thường mắc kèm khi có nhiễm HP.
Chính vì vậy bạn nên thăm khám kiểm tra chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh lý từ đó có chỉ định điều trị phù hợp.
Chúc bạn mạnh khỏe.