Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp để tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có thuốc kháng sinh. Trong Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc (từ ngày 16 đến 22-11), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước, tổ chức, cá nhân thực hiện: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.
Sự ra đời của thuốc kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Sử dụng kháng sinh không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng, chống dịch bệnh trên động vật… Tuy nhiên, việc sử dụng kéo dài, lạm dụng, sẽ khiến các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc mất hiệu quả. Vì vậy, tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội.
Thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD để giải quyết vấn đề kháng thuốc. Một số nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi nước mất từ 0,4 đến 1,6% GDP cho phòng, chống kháng thuốc. Hiện nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời. WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Ở nước ta, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá: Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động, làm cho chi phí điều trị tăng, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng đó là do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sĩ; người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sĩ bán thuốc không đúng quy định, các bác sĩ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc sử dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới. Bên cạnh đó, là do việc sử dụng kháng sinh tràn lan, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng, chống dịch bệnh…
Đứng đầu nguy cơ kháng thuốc là lĩnh vực phòng, chống và điều trị lao. Các nghiên cứu của WHO cho thấy ở Việt Nam tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số người bệnh lao mới (khoảng 4.800 trường hợp) và chiếm 19% số người bệnh lao điều trị lại (khoảng 3.400 người bệnh). Chi phí điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc tăng lên hàng trăm lần so với người bệnh lao không kháng thuốc và thậm chí không thể điều trị được ở một số trường hợp. Đáng báo động là ở Việt Nam đã xuất hiện nhóm vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%, nhất là các vi khuẩn gram âm. Tại Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà một số loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
Hưởng ứng lời kêu gọi “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” của WHO, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Nhưng để triển khai kế hoạch đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành và các cấp. Hiện Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc và thành lập chín tiểu ban giám sát kháng thuốc; thành lập Đơn vị giám sát kháng thuốc quốc gia; ban hành nhiều văn bản pháp quy về các hoạt động để kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc. Cuối tháng 6 vừa qua, bốn bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển cũng đã ký thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam.
Trong Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc (từ ngày 16 đến 22-11) sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường; cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người. Trong dịp này, ban tổ chức dự kiến lấy một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn. Người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn; sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tương tự, trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng kháng sinh cũng cần theo đúng hướng dẫn.