Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán các vấn đề về dạ dày với độ chính xác cao. Phương pháp này giúp phát hiện sớm các vấn đề về tiêu hóa, dạ dày như viêm loét, xuất huyết, polyp dạ dày và ung thư,… Bên cạnh các phương pháp nội soi truyền thống, phương pháp nội soi dạ dày qua đường mũi là một trong những công nghệ tiên tiến giúp bệnh nhân tránh được những khó chịu so với phương pháp nội soi thông thường.
>>> Bạn có biết: Những phương pháp nội soi dạ dày không đau
Nội dung chính
Nội soi dạ dày qua đường mũi là gì?
Nội soi dạ dày qua đường mũi là phương pháp đưa ống nội soi qua mũi vào thực quản rồi xuống dạ dày và tá tràng để phát hiện các bệnh lý viêm loét dạ dày – hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Khác với phương pháp nội soi dạ dày truyền thống, ống nội soi có kích thước nhỏ hơn nhiều và không được đưa qua đường miệng mà đi qua đường mũi, tránh tiếp xúc với cuống lưỡi, vòm khẩu cái và lưỡi gà nên làm giảm phản xạ nôn, hạn chế nguy cơ tổn thương do ống nội soi cọ vào niêm mạc thực quản, dạ dày và người bệnh cũng ít bị đau đớn hơn. Điều này cho phép bệnh nhân có thể không cần gây mê, vẫn tỉnh táo và có thể trao đổi với bác sỹ trong quá trình nội soi mà không ảnh hưởng tới việc quan sát hình ảnh nội soi của bác sỹ.
Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi hơn so với phương pháp nội soi truyền thống nhưng phương pháp nội soi đường mũi cũng có những hạn chế nhất định. Một trong những hạn chế lớn nhất của phương pháp này đó là do ống nội soi nhỏ, không thể gắn thiết bị sinh thiết vào đầu ống nên bác sỹ sẽ không thể lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm khi phát hiện những vùng tổn thương bất thường. Phương pháp này cũng không cho phép bác sỹ thực hiện một số thủ thuật như cắt polyp, cầm máu tại chỗ…Theo nhận định của nhiều bác sỹ nội soi thì nội soi qua đường miệng vẫn là phương pháp tốt hơn, tuy nhiên để giảm bớt khó chịu bệnh nhân nên lựa chọn hình thức nội soi gây mê.
Nội soi dạ dày đường mũi có gì khác biệt?
Ngày càng có nhiều người lựa chọn nội soi dạ dày qua đường mũi khi có nhu cầu nội soi bởi những ưu điểm mà phương pháp này mang lại:
Giảm thiểu khó chịu: Nhờ sử dụng ống nội soi nhỏ đi qua đường mũi nên ít gây kích thích vào lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi và làm giảm phản xạ nôn ói. Người bệnh hoàn toàn có thể nói chuyện bình thường với bác sĩ và quan sát toàn bộ hình ảnh nội soi.
An toàn: Phương pháp này không cần gây mê và ít gây ra thay đổi về huyết áp hay nhịp tim.
Hiệu quả chẩn đoán cao: Tâm lý người bệnh ổn định, bác sĩ dễ dàng thực hiện thủ thuật, hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng không mong muốn đồng thời giúp việc quan sát hình ảnh trong dạ dày rõ ràng hơn, giúp chẩn đoán chính xác.
Nội soi dạ dày qua đường mũi diễn ra thế nào?
Nội soi qua đường mũi được thực hiện khá đơn giản gồm các bước:
– Đầu tiên, người bệnh được hướng dẫn nằm nghiêng trái hoặc ngồi thẳng với những trường hợp khó.
– Kỹ thuật viên gây tê bên lỗ mũi soi bằng Xylocain 2% hoặc Lidocain 10%.
– Đưa ống soi qua mũi, họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng bơm hơi và quan sát.
– Rút máy và tẩy uế, khử khuẩn máy soi theo đúng quy định.
Cả quá trình nội soi dạ dày có thể chỉ diễn ra trong vòng 15 phút. Trước khi nội soi bệnh nhân cần lưu ý một số điều kiện để không ảnh hưởng tới kết quả nội soi :
- Nhịn ăn ít nhất 6h trước khi nội soi.
- Không uống nước trong vòng 2h trước khi nội soi.
- Tránh ăn các thực phẩm nhiều chất xơ, thô cứng; Không sử dụng đồ uống có gas, đồ uống có màu vào buổi trước hôm nội soi
- Không sử dụng thuốc băng niêm mạc dạ dày trước buổi nội soi
- Nếu muốn thực hiện thêm xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn H.pylori, bệnh nhân cần lưu ý phải ngưng uống tất cả các loại kháng sinh trong vòng 4 tuần, thuốc giảm tiết acid dạ dày trong vòng 2 tuần trước khi nội soi
Ai không được nội soi dạ dày qua đường mũi?
Những trường hợp sau không được nội soi dạ dày qua đường mũi để tránh gặp nguy hiểm:
- Mắc các bệnh lý ở thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản như bỏng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản
- Phình động mạch chủ ngực
- Suy tim, nhồi máu cơ tim, cơn tăng huyết áp
- Suy hô hấp, khó thở do bất cứ nguyên nhân gì, ho nhiều
- Dị tật, polyp cuốn mũi… làm cản trở việc đưa máy soi qua mũi
Một số trường hợp sau cũng nên thận trọng khi nội soi dạ dày qua đường mũi:
- Gù vẹo cột sống nhiều
- Người bệnh già yếu
- Người bệnh tâm thần không phối hợp được
- Tụt huyết áp
Tham khảo thêm: Những điều cần biết khi đi nội soi dạ dày