Nguyên nhân gây Viêm loét dạ dày tá tràng (VLDDTT) là do có sự mất sự cân bằng giữa quá trình hủy hoại và quá trình bảo vệ đối với niêm mạc dạ dày – tá tràng, quá trình hủy hoại chiếm ưu thế hơn dẫn đến làm tổn hại hoặc làm mất chất liệu niêm mạc gây viêm loét.
Vi khuẩn Hp gây Viêm loét dạ dày tá tràng và làm bệnh bị tái phát
Nội dung chính
Các yếu tố làm mất cân bằng gây viêm loét và thuốc trị
Quá trình hủy hoại niêm mạch là quá trình tạo bởi các yếu tố có khả năng ăn mòn, hủy hoại niêm mạc. Đó là acid hydrocloric (HCl) và pepsin – thành phần chính của dịch vị do dạ dày tiết ra nhằm tiêu hóa thức ăn. Quá trình hủy hoại còn do những chất từ ngoài đưa vào như: rượu bia, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), và đặc biệt do sự nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp). Người ta ghi nhận có khoảng 50-80% dân số trên thế giới nhiễm HP và khoảng 70% bệnh nhân loét dạ dày, 90% bệnh nhân loét tá tràng có sự hiện diện của loại vi khuẩn này ở niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, người ta còn đề cập đến yêu tố sự căng thẳng thần kinh (stress).
Phác đồ chuẩn tiệt trừ Hp hiện nay là phối hợp 3 thuốc: omeprazol hoặc một ức chế bơm proton khác (viết tắt PPI) kết hợp 2 kháng sinh là amoxicillin và clarithromycin, cụ thể đơn thuốc bác sĩ thường chỉ định: (omeprazol 20 mg + amoxicillin 1g + clarithromycin 250 mg) x 2 lần/ngày, dùng trong 14 ngày.
Ngoài dùng thuốc phối hợp với kháng sinh để trị Hp, bác sĩ có thể cho dùng thêm thuốc khác. Như dùng thuốc chống co thắt cơ trơn (như No-spa) để giảm đau, dùng thuốc trung hòa acid dịch vị (gọi là thuốc kháng acid như Maalox, Stomafar, Simelox, Phosphalugel…), dùng thuốc chống tiết acid là PPI (omeprazol, esomeprazol, lansoprazol…) hoặc thuốc kháng thụ thể H2 (ranitidin), dùng thuốc hóa giải stress, an định thần kinh (sulpirid, diazepam…).
Một số lưu ý
Người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán xác định bệnh. Bởi, tùy theo mức độ bệnh: rối loạn tiêu hóa giống loét (có triệu chứng giống loét nhưng chẩn đoán xét nghiệm không có loét), viêm và nặng hơn là loét (loét được định nghĩa đã có sự mất chất liệu niêm mạc) mà chế độ điều trị bằng thuốc có khác nhau. Riêng viêm loét dạ dày rất cần khám thường xuyên vì bệnh lý này có nguy cơ trở thành ung thư dạ dày, cần phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.
Thời gian trị VLDDTT thường kéo dài đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, dùng đủ và đúng thuốc. Tránh tình trạng bỏ thuốc nửa chừng hoặc đang điều trị nhưng lại “đổi thầy, đổi thuốc lung tung”.
Bên cạnh việc dùng thuốc, phải có chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, Tránh sự xúc động, căng thẳng thần kinh, phiền muộn thái quá. Có lời khuyên, phải thật cẩn thận trong dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường gây viêm loét.
Cần ăn uống đầy đủ chất, không để đói quá mới ăn cũng không nên ăn no quá, có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Tránh hoặc hạn chế dùng gia vị quá cay nóng, bia rượu, thuốc lá.
Vì sao bệnh VLDDTT hay tái phát và cách đối phó?
VLDDTT là bệnh từ lâu được cho là hay tái phát. Ngày nay người ta đã biết lý do chủ yếu VLDDTT hay tái phát là do vi khuẩn Hp đề kháng, dùng thuốc tiệt trừ nó không triệt để nên bệnh cứ tái đi tái lại.
Do Hp hiện diện trong đa số trường hợp bị VLDDTT (70-90%) nên trong điều trị viêm loét hiện nay thường đặt vấn đề tiệt trừ vi khuẩn này. Và tiệt trừ Hp rất khó khăn vì :
- Thử trong ống nghiệm (in vitro) có rất nhiều kháng sinh (KS) nhạy cảm nhưng trong điều trị lâm sàng chỉ có một số ít KS tỏ ra hiệu quả như: tetracylin, amoxicillin, metronidazol, clarithromycin, tinidazol, furazolidon.
- Không được dùng một KS mà phải kết hợp hai KS trở lên để tiệt trừ HP.
- Một số KS bị đề kháng rất nhanh (như clarithromycin, metronidazol) đưa đến tỷ lệ HP kháng thuốc ngày càng tăng ở các nước.
Để đối phó tình trạng Hp kháng thuốc đưa đến VLDDTD cứ tái đi tái lại, thế giới phải luôn tìm ra phác đồ trị liệu mới tiệt trừ con vi khuẩn quỷ quyệt này. Từ phác đồ chuẩn kết hợp 3 thuốc (omeprazol +amoxicillin+clarithromycin trong 14 ngày) dùng không hiệu quả, người ta tiến tới dùng phác đồ kết hợp 4 thuốc (omeprazol+bismuth subsalicylat+tetracyclin+metronidazol trong 14 ngày), rồi đến phác đồ 4 thuốc điều trị “nối tiếp” (Sequential therapy, 5 ngày đầu: omeprazol+amoxicillin, 5 ngày sau: omeprazol+clarithromycin+metronidazol), mới đây đã phải dùng đến phác đồ “cứu vãn” (Salvage therapy, PPI+amoxicillin+levofloxacin (hoặc moxifloxacin hoặc rifabutin…) trong 14 ngày). Và cứ thế, chắc chắn HP sẽ lại đề kháng và con người lại phải tìm ra phác đồ tiệt trừ mới.
Có thể lấy độc trị độc?
Kháng thể từ lòng đỏ trứng gà có thể là chìa khóa trong cuộc chiến với vi khuẩn Hp
Chính cách sống khỏe của Hp ở dạ dày làm người ta nghĩ đến một phương cách khác chống lại nó. Vi khuẩn Hp sống được ở môi trường rất “acid” ở dạ dày nào phải do chúng thuộc loại “mình đồng da sắt” chịu được acid. Hp sinh sống được tại niêm mạc bởi vì chúng thường xuyên tiết ra men (enzym) có tên Urease phân giải urê (là chất thải từ chuyển hóa chất đạm có ở bất cứ nơi đâu trong cơ thể chúng ta kể cả ở niêm mạc dạ dày) tạo thành ammoniac (và CO2). Chính ammoniac là chất kiềm do chúng tạo ra sẽ trung hòa acid dịch vị chung quanh tạo thành tiểu không gian trung tính (chứ không còn acid nữa) bao bọc lấy chúng giúp chúng sống sót, tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này.
Urease do Hp tiết ra chiếm đến 15% protein vỏ tế bào của vi khuẩn này và có vai trò rất quan trọng đối với sự sống còn của Hp trong dạ dày. Nếu thiếu hoặc làm bất hoạt urease chắc chắn Hp sẽ không tồn tại. Vì vậy, người ta đã nghĩ tới phương cách hỗ trợ việc tiệt trừ Hp bằng cách tác động đến urease do Hp tiết ra như là cách “lấy độc trị độc”.
Ta cần biết, có một cơ chế gọi là miễn dịch ở cơ thể sống là khi gặp một “chất lạ” gọi là kháng nguyên, bản năng sinh tồn của cơ thể sống là nó tạo ra chất gọi là kháng thể chống lại, vô hiệu hóa “chất lạ” đó. Đó cũng là cách các nhà khoa học của viện Nghiên cứu Miễn dịch Gifu (Nhật Bản) lấy “độc” là urease do Hp tiết ra nằm trong vỏ của nó xem như kháng nguyên nhằm sản xuất kháng thể đặc hiệu chống lại để trị “độc” là làm hại con vi khuẩn này.
Cụ thể, các nhà khoa học nuôi cấy Hp trong môi trường với điều kiện thích hợp, thu thập khối tế bào vi khuẩn để trích ra urease tinh khiết. Từ urease tinh khiết của Hp (urease Hp), họ tạo thành hỗn hợp và tiêm vào gà mái để tạo sự miễn dịch. Tức là, cơ thể gà mái khi được tiêm urease Hp sau một thời gian sẽ tạo ra kháng thể tên IgY chống lại urease Hp. Đặc biệt, kháng thể IgY tập trung nhiều ở lòng đỏ trứng gà được sinh ra từ gà mái đã được miễn dịch. Lòng đỏ trứng chứa IgY được thu thập và được tạo thành chế phẩm OvalgenHP dùng để giúp hỗ trợ tiệt trừ Hp.
Người ta rất kỳ vọng vào phương cách “lấy độc trị độc” kể trên trong việc hỗ trợ điều trị Hp đề kháng kháng sinh, giảm nguy cơ bệnh VLDDTT cứ tái đi tái lại. Dùng kháng thể IgY trong OvalgenHP (IgY/OvalgenHP) rõ ràng là an toàn, không liên quan cũng như không kích thích sự đề kháng kháng sinh. Thực nghiệm cho thấy, IgY/OvalgenHP ức chế, làm bất hoạt urease Hp khiến Hp không tạo được tiểu không gian trung tính che chở nó, nó không bám vào lớp nhầy của niêm mạc, môi trường acid sẽ làm nó chết đi. Vì chế phẩm OvalgenHP xuất phát từ lòng đỏ trứng gà sinh từ gà mái được miễn dịch và nuôi trong môi trường công nghiệp sạch thân thiện với con người, không chứa tồn dư kháng sinh, nên được bào chế dưới dạng thực phẩm chức năng thích hợp. Đây được xem là mội liệu pháp miễn dịch hiệu quả, có độ an toàn cao giúp hỗ trợ việc tiệt trừ Hp, đặc biệt Hp đã đề kháng kháng sinh.
PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức
Giảng viên bộ môn Dược, Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh
Phó giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 1952) từng công tác tại Khoa Dược, Đại học Y dược TP HCM. Năm 1999, ông bảo vệ đề tài luận án “Nghiên cứu chitosan dược dụng và dẫn chất chitosan làm chất tạo phim dùng trong dược phẩm” tại Đại học Y dược TP HCM. Ông từng nghiên cứu nhiều công trình như “Quy hoạch thực nghiệm tìm điều kiện tối ưu bán tổng hợp một dẫn chất chitosan dùng làm chất tạo phim tan ở ruột”, “Bước đầu nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn Helicobacter pylori của chitosan“ đăng trên Tạp chí Dược học.