Đau dạ dày là một bệnh lý có tính chất mãn tính, dễ gây chủ quan cho người bệnh và khó điều trị dứt điểm. Có nhiều phương pháp và thuốc men được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân, tuy nhiên hiệu quả thường không như ý và rất tốn kém. Dân gian xưa đã có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì vậy tại sao chúng ta không chú tâm vào việc phòng tránh bệnh đau dạ dày khi chưa khởi phát triệu chứng? Hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này qua bài viết sau.
Phòng bệnh đau dạ dày
Giảm stress
Cuộc sống hiện đại hối hả cuốn theo những lo âu, căng thẳng, đưa chúng ta vào một vòng xoáy bận rộn không ngừng. Áp lực công việc, tài chính, tình cảm đan xen với những suy nghĩ về nhân tình thế thái luôn khiến chúng ta bị stress.
Lúc đầu khi căng thẳng quá độ, chúng ta thường cảm thấy vài cơn đau thoáng qua nơi dạ dày, có thể là nhói buốt hoặc bỏng rát. Nhưng guồng quay công việc cuốn ta đi khiến ta quên mất mình hoàn toàn có khả năng đã bị đau dạ dày. Khi cơn đau dữ dội lên để “kêu cứu” thì đa số trường hợp đã tiến triển nặng.
Căng thẳng tâm lý khiến dạ dày bị co thắt, dịch vị tiết ra bất thường, lâu ngày trở thành bệnh đau dạ dày. Chính vì thế, để loại bỏ nguyên nhân vô hình này, chúng ta cần giữ cho mình một tâm thái an yên, cân bằng. Điều chỉnh tâm trạng bằng cách hòa mình cùng với thiên nhiên, tham thiền hoặc tập yoga nhẹ nhàng sẽ giúp bạn có được sức khỏe dẻo dai cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ăn uống đúng cách
Dạ dày là nơi lưu trữ và tiêu hóa thức ăn, vì vậy bất kỳ bệnh lý nào xuất hiện ở dạ dày đều liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. Cần sắp xếp thời gian làm việc hợp lý để có thể ăn đúng giờ, đủ chất dinh dưỡng và hạn chế, hoặc kiêng hẳn những món ăn không tốt cho dạ dày là cách phòng tránh bệnh đau dạ dày hiệu quả nhất.
Để làm được điều đó, bạn nên tham khảo và cân nhắc đề ra một thực đơn cho riêng mình với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng và cảm nhận của chính bạn. Một khẩu phần ăn đủ chất thường bao gồm protein, lipid, vitamin và khoáng chất đến từ thịt, cá, trứng, sữa… kèm thêm nhiều rau củ và trái cây tươi.
Những món ăn không có lợi cho dạ dày như các món khô cứng, mùi vị quá đậm, chiên xào nhiều dầu mỡ nên hạn chế sử dụng. Bên cạnh đó, có một lưu ý nhỏ về cách ăn uống đó là không nên uống nhiều nước trước khi ăn cơm, vì điều này sẽ khiến dịch vị dạ dày bị loãng, gây trở ngại cho tiêu hóa.
Chế độ sinh hoạt hợp lý
Cho dù có bận rộn đến đâu bạn cũng nên duy trì cho mình một chế độ sinh hoạt đều đặn, có quy củ và hợp lý. Chính lối sống thất thường, chủ quan với sức khỏe của bản thân khiến cho bạn dễ bị mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh đau dạ dày. Công việc, nghỉ ngơi, vui chơi hay ăn uống đều cần tuân theo một quy luật nhất định, có giờ giấc và định lượng cụ thể.
Bên cạnh đó, thức khuya cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, do cơ thể không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi lại công năng sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Hãy đi ngủ sớm để phòng tránh bệnh đau dạ dày cũng như các bệnh lý khác, từ đó cũng có được thể trạng tốt nhất.
Xem thêm : Đau dạ dày có lây không | Đau dạ dày có nguy hiểm không?
Theo Gastimunhp.vn