Hiện nay, nội soi là phương pháp giúp chẩn đoán bệnh dạ dày chính xác nhất. Tuy nhiên có một số ít trường hợp không thể nội soi hoặc tại cơ sở chưa được trang bị thiết bị nội soi thì các bác sĩ vẫn có những phương pháp khác để chẩn đoán căn bệnh này.
Nội dung chính
Những đối tượng không thể nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày là một thủ thuật khá an toàn và hữu hiệu nhất để chẩn đoán viêm loét, ung thư thực quản, dạ dày – tá tràng. Mặc dù vậy, nội soi dạ dày cũng có thể dẫn đến một số biến chứng như: nhiễm trùng, chảy máu, thủng tá tràng, thực quản hoặc dạ dày và nặng hơn nhưng rất hiếm gặp là shock phản vệ nếu dùng thuốc.
Mặc dù, nội soi dạ dày không có đối tượng chống chỉ định tuyệt đối nhưng bác sĩ cũng có thể hoãn nội soi ở một số bệnh nhân khi khi ngờ bị: thủng dạ dày, bỏng do uống acid, suy tim, thiếu máu cơ tim cấp, suy hô hấp hoặc mới ăn no; chất barium còn sót lại trong ống tiêu hóa sau khi chụp dạ dày cản quang sẽ gây khó khăn cho nội soi đường tiêu hóa trên; những bệnh nhân có túi phình lớn ở động mạch chủ, túi thừa Zenker (là một túi thoát vị ở thực quản), loét thủng mới xảy ra gần đây, hoặc thủng ở những nơi khác trong ống tiêu hóa…
Nếu nằm trong trường hợp bác sĩ khuyên không nên sử dụng phương pháp nội soi dạ dày thì bạn cũng yên tâm làm theo phương pháp chẩn đoán bệnh dạ dày mà bác sĩ chỉ định để được chẩn đoán và chữa trị bệnh kịp thời.
Các phương pháp chuẩn đoán bệnh dạ dày không cần nội soi
1. Thăm khám triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng điển hình của bệnh dạ dày bao gồm:
– Đau bụng vùng thượng vị: Tùy vào biểu hiện từng cơn đau bác sĩ có thể chuẩn đoán được về bệnh dạ dày như sau:
- Đau có chu kỳ (loét dạ dày, loét tá tràng), đau không chu kỳ (đau do viêm dạ dày-tá tràng hoặc ung thư dạ dày).
- Đau có lan xuyên (loét dạ dày lan lên trên và sang trái), loét hành tá tràng (lan ra sau lưng và sang phải).
- Liên quan đến bữa ăn: Loét dạ dày đau khi no, loét hành tá tràng đau khi đói, ăn vào hết đau.
– Ợ chua có thể gặp ở các bệnh dạ dày: Viêm loét dạ dày tá tràng, hẹp môn vị, rối loạn chức năng cơ vòng tâm vị. Ngoài ra, ợ có thể gặp ở các bệnh ngoài dạ dày như: suy gan, hội chứng bán tắc ruột.
– Nôn và buồn nôn: Nôn và buồn nôn là biểu hiện của bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày, hẹp môn bị, chảy máu dạ dày
– Chảy máu: Có thể là một triệu chứng, có thể là một biến chứng: Viêm dạ dày cấp do thuốc, ung thư dạ dày, loét dạ dày tá tràng, u lành dạ dày (polip, u mạch).
– Triệu chứng thực thể: Trong cơn đau loét dạ dày – tá tràng thăm khám thấy: Điểm thượng vị ấn đau (loét dạ dày), điểm môn vị-hành tá tràng ấn đau (loét hành tá tràng), dấu hiệu óc ách lúc đói (+), Bouveret (+): gặp trong hẹp môn vị, gõ thượng vị đau: gặp trong viêm dạ dày…
Tham khảo thêm: Các triệu chứng của bệnh đau dạ dày
2. X-quang
Chụp X quang phát hiện ổ loét và đặc biệt hữu ích để phát hiện khối u trong dạ dày. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát trực tiếp tình trạng của niêm mạc dạ dày về kích thước, vị trí và chức năng…để có thể xác định chính xác xem có mắc bệnh hay không, tình trạng bệnh như thế nào.
– Một số hình ảnh bệnh lý:
- Thay đổi niêm mạc: To, nhỏ hoặc không đều.
- Thay đổi ở thành dạ dày: Có ổ đọng thuốc ở bờ cong nhỏ, bờ cong lớn, có đoạn cứng, hành tá tràng biến dạng.
– Các dấu hiệu khác mà X quang phát hiện:
- Rối loạn vận động: Co thắt, xoắn.
- Rối loạn trương lực: Tăng hoặc giảm.
- Thoát vị hoành.
- Các khối u dạ dày (hình khuyết).
3. Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP
- Test thở: Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống uống 1 viên thuốc hoặc 1 dung dịch có chứa phân tử Carbon đồng vị C13 hoặc C14 và sau khi uống thuốc khoảng 20 phút để tìm vi khuẩn có trong dạ dày. Nếu có vi khuẩn Hp trong dạ dày thì vi khuẩn Hp sẽ phân hủy Ure tạo thành khí Carbonic, bằng cách đo lường lượng phân tử C13 và C14 thoát ra trong khí Carbonic người ta sẽ xác định được vi khuẩn Hp có hoạt động trong dạ dày hay không. Trong trường hợp nồng độ CO2 ở mẫu sau khi uống thuốc cao hơn trước khi dùng thuốc thì khả năng cao người bệnh đã có vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày và có nguy cơ cao mắc các bệnh lý viêm loét, ung thư dạ dày,…
Test thở
- Xét nghiệm phân: Một lượng phân nhỏ của người bệnh được cho vào trong ống nghiệm. Hóa chất và chất tạo màu đặc biệt được thêm vào. Kết thúc xét nghiệm, nếu trong ống xét nghiệm xuất hiện màu xanh dương thì chứng tỏ là có vi khuẩn Hp trong mẫu. Trong 2 tuần trước khi làm xét nghiệm người bệnh không được phép sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc trung hòa acid dạ dày, bismuth, thuốc bao vết loét dạ dày, thuốc kháng acid.
Xét nghiệm phân
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để tìm vi khuẩn HP có trong dạ dày, nếu trong cơ thể có vi khuẩn này thì sẽ sản sinh ra một loại kháng thể tương ứng với vi khuẩn HP. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phát huy tác dụng trước khi điều trị còn các trường hợp sau khi điều trị muốn kiếm tra xem còn vi khuẩn HP không thì phương pháp không còn khả quan.
4. Xét nghiệm pepsinogenI, II trong huyết thanh
Pepsinogen là tiền enzym của pepsin – một enzym đóng vai trò phân hủy protein thành chuỗi peptid nhỏ hơn được tiết ra bởi các tế bào niêm mạc dạ dày. Pepsinogen gồm 2 loại: pesingen 1 (PGI) được sản xuất chủ yếu bởi tế bào niêm mạc vùng hang vị và pepsinogen 2 (PGII) được sản xuất bởi tế bào niêm mạc vùng thân vị và tâm vị.
Sự giảm mức độ pepsinogen I huyết thanh và tỷ lệ PGI/II là dấu hiệu của teo niêm mạc dạ dày mạn tính có thể dẫn tới ung thư dạ dày, do đó chỉ số này có thể được sử dụng để phát hiện bệnh dạ dày và phát hiện sớm ung thư dạ dày.
Xét nghiệm pepsinogen I, II và tỷ lệ PGI/II được sử dụng để sàng lọc và chẩn đoán ung thư dạ dày nên thường được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng sớm của ung thư dạ dày như: khó tiêu kéo dài, ợ hơi, nhanh no, đầy hơi sau khi ăn, mệt mỏi, đau thượng vị, nôn.
Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm pepsinogen I, II và tỷ lệ PGI/PGII:
- Giá trị bình thường của PGI là > 70 ng/mL, PGII là 7,5 ng/mL. Tỉ lệ PGI/PGII > 3 (Mức độ pepsinogen I, pepsinogen II và tỷ lệ PGI/II không khác nhau theo tuổi và giới)
- Mức độ PGI thấp hơn 70 ng/mL hoặc tỉ lệ PGI/PGII ≤ 3 được cho là giá trị dương tính với ung thư dạ dày.
- PGI tăng trong bệnh lý viêm, loét dạ dày
5. Xét nghiệm gastrin
Gastrin là một hormon tiêu hóa có tác dụng kích thích tiết acid dạ dày. Gastrin được sản xuất bởi tế bào G
của tá tràng và vùng hang vị trong môn vị của dạ dày. Gastrin tồn tại dưới 3 dạng chính: Gastrin-34, Gastrin-17 và Gastrin -14.
Gastrin đóng vai trò chính trong việc xác định Hội chứng Zollinger-Ellison. Trong hội chứng này có sự tăng sản xuất Gastrin làm dạ dày sản xuất dư thừa acid HCl, gây loét dạ dày. Nguyên nhân thường do khối u ở tá tràng hay tụy làm tăng sản xuất Gastrin.
– Nồng độ Gastrin cao còn gặp trong một số trường hợp khác:
- Trường hợp bị suy giảm tiết acid dạ dày, ví dụ như trong bệnh thiếu máu ác tính.
- Tắc nghẽn môn vị kèm trướng hang vị
- Sau thủ thuật cắt thần kinh phế vị
- Một số bệnh viêm loét đường tiêu hóa thông thường.
Lưu ý: Trước khi làm xét nghiệm Gastrin, người bệnh phải nhịn ăn qua đêm, tối thiểu là 12 giờ.
Trên đây là các phương pháp chuẩn đoán bệnh dạ dày không cần nội soi, hy vọng rằng với những bệnh nhân bị chỉ định không sử dụng phương pháp nội soi hoặc cơ sở y tế chưa được trang bị thiết bị nội soi có thể lựa chọn cho mình phương pháp kiểm tra bệnh phù hợp.
Lê Thị Hân says
Bà em bị tim không thể nội sôi, nhưng bà có triệu chứng buồn nôn, khi ăn là bị nhợn ói hoặc nôn ra không ăn uống được, không biết có phương pháp nào biết bệnh không ạ
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Bạn nên đưa bà tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tiêu hóa. Nếu bệnh nhân không nội soi được thì có thể kiểm tra bằng siêu âm và chụp X-quang. Các phương pháp này có độ chính xác thấp hơn nội soi nhưng cũng có thể chẩn đoán ở mức độ nhất định.
Chúc bạn mạnh khỏe,