Đau dạ dày, đặc biệt đau dạ dày cấp tính, là căn bệnh thường gặp, xuất phát từ điều kiện ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Có nhiều cách để phòng ngừa bệnh này, như ăn uống điều độ, tránh dùng nhiều thuốc kháng viêm, không uống nhiều rượu, không để bị stress… Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn đọc thông tin về căn bệnh này.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau dạ dày cấp
Những biểu hiện thông thường của hiện tượng đau dạ dày cấp tính là buồn nôn và nôn, đau vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn). Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị sốt, mệt mỏi, chán ăn, nếu tình trạng nặng hơn có thể đi ngoài phân đen hoặc nôn ra máu. Cơn đau tăng nặng sau khi người bệnh uống bia rượu, ăn các thực phẩm có tính kích thích niêm mạc dạ dày như hạt tiêu, ớt, trà, cà phê…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày cấp. Dựa theo yếu tố phát sinh, người ta phân chia đau dạ dàycấp ra làm 2 loại:
+ Do yếu tố ngoại sinh, như: virus, vi khuẩn… Qua nhiều nghiên cứu thí nghiệm, người ta đã xác định được vai trò của vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP) gây viêm loét dạ dày có thể gây ung thư dạ dày.
Người bệnh ăn thức ăn nóng, cứng, khó tiêu, nhai không kỹ, hoặc bị nhiễm độc do tụ cầu, Ecoli, rượu, chè, cà-phê. Người bệnh dùng lâu ngày các loại thuốc uống có hại cho dạ dày như thuốc aspirin, thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid, các chất ăn mòn, các kích thích nhiệt, dị vật…
+ Do yếu tố nội sinh thường do đường máu trong các bệnh nhiễm trùng cấp. Stress nặng, bỏng nặng, chấn thương, sau cuộc mổ lớn, sốc, tia xạ trong điều trị các bệnh ung thư… là những yếu tố có thể làm dạ dày tăng tiết axit (chất chua có trong dịch vị), đồng thời làm giảm sự sản xuất các chất đệm, giảm lượng máu lưu thông đến dạ dày làm cho chất axit ứ đọng trong lòng dạ dày, dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.
Chế độ ăn uống khi bị đau dạ dày cấp
Để điều trị đau dạ dày cấp, người bệnh phải ngưng ngay việc sử dụng các chất tác hại. Cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn uống sao cho giảm các yếu tố kích thích dạ dày.
– Thức ăn phải loãng, mềm, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng: Nên ăn chậm, nhai kỹ, giữ khoảng cách đều đặn, hợp lý giữa các bữa ăn. Lúc đầu, nên ăn những thức ăn loãng như cháo, súp…sau đó, người bệnh có thể dần dần ăn những thức ăn đặc hơn.
– Kiêng thịt mỡ, bơ và những món ăn có dầu mỡ : vì đây là những món rất khó tiêu, buộc dạ dày phải tăng co bóp. Cũng nên hạn chế dùng các thức ăn, đồ uống như sữa đậu nành, đậu phộng, đường mía, sữa bò, nước giải khát có gas… vì đây là các món ăn gây đầy hơi.
– Ăn uống điều độ, hợp lý, tránh dùng nhiều thuốc kháng viêm, không uống nhiều rượu, bia, không để bị stress… là cách phòng bệnh đau dạ dày hiệu quả nhất.
Nếu tuân theo chế độ điều trị tốt, sức khỏe của hầu hết bệnh nhân đau dạ dày cấp cải thiện rất nhanh, bệnh nhân có thể sớm trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Ngược lại, bệnh có thể diễn tiến xấu đi, từ cấp tính chuyển sang mạn tính, gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Theo Gastimunhp.vn tổng hợp