Phương pháp chẩn đoán thường làm nhất đối với viêm dạ dày là nội soi với một mẫu sinh thiết dạ dày. Nội soi để kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng. Nếu cần bác sĩ sẽ lấy các mẫu mô nhỏ để sinh thiết.
Các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây viêm dạ dày hoặc bất cứ biến chứng nào gồm:
- Chụp Xquang đường tiêu hóa. Hình ảnh chụp Xquang sẽ cho biết các thay đổi ở niêm mạc dạ dày như trợt hoặc loét.
- Xét nghiệm máu: để kiểm tra xem có tình trạng thiếu máu không. Thiếu máu có thể là dấu hiệu của chảy máu dạ dày hoặc sự hiện diện của vi khuẩn Hp.
- Xét nghiệm phân nhằm kiểm tra sự hiện diện của máu trong phân, một dấu hiệu khác cho biết có chảy máu dạ dày.
- Xét nghiệm đối với nhiễm trùng H.pylori bằng test thở, xét nghiệm máu hoặc phân. Nhiễm trùng H.pylori cũng có thể được xác định bằng mẫu sinh thiết từ dạ dày lấy khi nội soi.
Điều trị viêm dạ dày
Thuốc giảm lượng acid trong dạ dày có thể làm dịu các triệu chứng liên quan tới viêm dạ dày và thúc đẩy quá trình làm lành niêm mạc dạ dày. Các thuốc này gồm:
- Kháng acid, là các thuốc có chứa các muối của Magie, calci hoặc nhôm ở dạng hydroxide hoặc bicarbonate nhằm làm trung hòa acid trong dạ dày. Các thuốc này có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc táo bón.
- Phong bế thụ thể histamine 2 (H2) như famotidine, ranitidine. Các thuốc ức chế thụ thể H2 làm giảm sản xuất acid.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) gồm omeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprzole và esomeprazole. Nhóm thuốc này ức chế sản xuất acid hiệu quả hơn so với ức chế thụ thể H2.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm dạ dày mà các biện pháp điều trị khác có thể được thêm vào. Ví dụ, nếu viêm dạ dày do dùng thuốc kháng viêm non-steroid lâu dài, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên ngưng sử dụng NSAIDs, giảm liều hoặc chuyển qua nhóm thuốc giảm đau khác. Có thể sử dụng PPI để ngăn ngừa viêm dạ dày do stress ở các bệnh nhân mắc bệnh nặng.
Điều trị nhiễm trùng H.pylori là vô cùng quan trọng ngay cả khi bệnh nhân không có các triệu chứng của nhiễm trùng. Viêm dạ dày do H.pylori không được điều trị có thể dẫn tới ung thư hoặc loét ở dạ dày hoặc ruột non. Phác đồ điều trị thường dùng nhất là phối hợp 3 thuốc (PPIs kết hợp 2 kháng sinh, thường là amoxicillin và clarithromycin để diệt vi khuẩn) Cũng có thể kết hợp thêm bismuth subsalicylate để giúp diệt vi khuẩn. Sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ được test thở hoặc xét nghiệm phân để xác định nhiễm trùng H.pylori đã được loại bỏ chưa. Mục tiêu là điều trị khỏi viêm dạ dày và làm giảm nguy cơ các bệnh đường tiêu hóa khác liên quan tới viêm dạ dày như loét đường tiêu hóa, ung thư dạ dày và u lymho MALT.
Bạn cần biết!
- Viêm dạ dày là tình trạng viêm ở niêm mạc dạ dày
- Thuật ngữ viêm dạ dày liên quan đặc biệt tới viêm bất thường ở niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên viêm dạ dày đôi khi cũng được sử dụng một cách nhầm lẫn để mô tả bất cứ triêu chứng đau hoăc khó chịu ở bụng trên. Phần lớn bệnh nhân có các dấu hiệu khó chịu ở bụng trên không phải là viêm dạ dày.
- Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm dạ dày là nhiễm trùng H.pylori và sử dụng NSAIDs lâu dài.
- Nhiều bênh nhân viêm dạ dày không có triệu chứng. Những người có triêu chứng gồm khó chịu hoặc đau ở bụng trên, nôn hoặc buồn nôn.
- Điều trị nhiễm trùng H.pylori là rất quan trongh ngay cả ở bệnh nhân không có triệu chứng. Nếu không điều trị, nhiễm trùng H.pylori có thể dẫn tới loét hoặc ung thư đường tiêu hóa.
Theo Khuyến cáo của hội tiêu hóa Hoa Kỳ
Na says
Cho em hỏi là mục đích xét nghiệm điện giải đồ ở bệnh nhân viêm dạ dày là gì ạ? Em cảm ơn
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Điện giải đồ là xét nghiệm định lượng các chất điện giải trong cơ thể (Na+, K+, Cl-, HCO3-). Các chất này đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển chất, cân bằng nước và duy trì sự ổn định của pH. Sự mất cân bằng nước điện giải xuất hiện trong một loạt các bệnh lý cấp tính, mạn tính và có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nếu không xử lý kịp. Do vậy điện giải đồ có thể được chỉ định như là một phần trong bộ xét nghiệm thường quy (gồm công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, đường huyết…). Ngoài ra chúng cũng có thể được bác sỹ sử dụng để theo dõi trong quá trình điều trị các bệnh mạn tính hoặc xét nghiệm cho các bệnh nhân cấp cứu.
Như vậy nhìn chung điện giải đồ được chỉ định trong nhiều trường hợp khác nhau để theo dõi sự mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, từ đó có hướng xử trí phù hợp.
Hi vọng chúng tôi đã đem đến cho bạn thông tin bạn cần.
Chúc bạn mạnh khỏe,