Trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh phổ biến với những triệu chứng dễ nhận biết nhất là: ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Bệnh cũng có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng khác như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng… dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý tim phổi, viêm họng. Đây là một căn bệnh mãn tính dễ tái phát, phải được điều trị lâu dài, kịp thời nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nội dung chính
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản (tiếng anh là Gastroesophageal reflux disease – GERD), có bản chất là sự trào ngược acid dạ dày và một lượng thức ăn từ dạ dày lên thực quản. Sự trào ngược là do cơ vòng thực quản dưới yếu đi hoặc biến dị. Nhiệm vụ của cơ này là cho phép thức ăn đi từ thực quản xuống thượng vị và ngăn thức ăn cùng acid dạ dày đi ngược lên thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản được gọi là bệnh khi xuất hiện triệu chứng như: đau hay khó nuốt hoặc đã có biến chứng như hẹp thực quản.
Tại các nước phương tây, có 10-20% dân số bị ảnh hưởng bởi GERD.
Tại Việt Nam, theo thống kê có đến 60% dân số Việt nam đang mắc phải căn bệnh này. Giai đoạn đầu các dấu hiệu của bệnh không quá phức tạp nên dễ bị bỏ qua, đến khi bị các biến chứng liên quan tới tai mũi họng, viêm thực quản bệnh nhân mới đi khám. Chính vì vậy, 86% trường hợp phát hiện bệnh khi đã bước sang giai đoạn nặng.
Dấu hiệu và triệu chứng
Ở người lớn
Ở người lớn, các triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược dạ dày thực quản là:
- Ợ nóng: Ợ nóng là cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên dọc đằng sau xương ức, đôi khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai, kèm vị chua trong miệng. Đây là triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản, nhưng cũng không có gì bất thường nếu triệu chứng này ít xảy ra. Nếu bạn gặp những cơn ợ nóng nhiều hơn hai ngày mỗi tuần thì dường như bạn đã mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Thông thường, chứng ợ nóng thường xuất hiện sau bữa ăn hoặc khi bệnh nhân cúi gập người về phía trước.
- Khó nuốt: Những người bệnh lớn tuổi không bị ợ nóng mà lại thường gặp phải triệu chứng khó nuốt. Nhiều trường hợp chỉ khó nuốt với chất lỏng, nhưng một số khác lại thật sự gặp khó khăn trong việc nuốt các chất đặc.
- Khàn giọng, đau họng: Nếu acid dạ dày thường xuyên đi ngược lên thực quản, nó sẽ gây ra tình trạng viêm thanh quản, điển hình với các triệu chứng như khàn giọng, đau họng, viêm họng.
- Nôn: Nôn xuất hiện khi chất lỏng trong dạ dày trào ngược lên miệng. Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể cảm nhận được vị acid hoặc vị của dịch mật trong miệng họ. Thêm nữa, những người mắc triệu chứng nôn, răng của họ sẽ bị acid phá hủy theo thời gian.
- Buồn nôn: Một số bệnh nhân thường xuyên trải qua cảm giác buồn nôn. Nếu như bạn thường xuyên trải qua những lần buồn nôn và nôn thì đó là dấu hiệu dễ nhận thấy để bạn nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Đau, tức ngực: Triệu chứng này khiến cho người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh tim mạch. Biểu hiện của triệu chứng này là cảm giác đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra lưng, cánh tay. Xem chi tiết tại: Phân biệt đau ngực do trào ngược dạ dày và đau ngực do đau tim.
- Ngưng thở khi ngủ: Những người mắc bệnh trào ngược cũng có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ trong đó có ngừng thở khi ngủ. Chính sự kích thích và đốt cháy của acid dạ dày trào ngược lên thanh quản đã gây lên triệu chứng này.
Nếu trào ngược dạ dày xảy ra vào ban đêm, người bệnh cũng có thể có các biểu hiện:
- Ho mãn tính
- Viêm thanh quản
- Bệnh hen (mới hoặc xấu đi nếu có tiền sử bệnh hen)
- Giấc ngủ bị gián đoạn do triệu chứng đau và nóng rát
Ở trẻ em
- Trẻ tuổi mẫu giáo: Nôn mửa nhiều lần hoặc thấy vị chua ở cổ họng; ho, khò khè thường xuyên; khóc lớn và từ chối thức ăn, biếng ăn; chậm lớn; khó chịu trong và sau khi ăn.
- Trẻ lớn: Buồn, nôn hoặc thấy vị chua trong cổ họng; ợ nóng; khó nuốt; cơn đau bụng hoặc buồn nôn làm trẻ thức giấc vào ban đêm; khó nuốt hoặc khó chịu khi nuốt; cơn đau bụng hoặc buồn nôn làm trẻ thức dậy vào ban đêm; hôi miệng.
Trẻ em có thể mắc gặp một hoặc nhiều triệu chứng này và có sự thay đổi ở mỗi trẻ, không có triệu chứng nào là phổ biến ở tất cả các bé.
Nguyên nhân
Cơ vòng thực quản dưới suy yếu hoặc không đóng kín là nguyên nhân chính dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.
Cơ vòng thực quản dưới hoạt động như chiếc van một chiều để ngăn chặn sự trào ngược của dịch vị. Sau khi nuốt, các cơ cơ vòng này mở ra cho phép thực phẩm và chất lỏng đi xuống dạ dày, sau đó tự động đóng kín lại. Tuy nhiên, vì lý do bất thường nào đó khiến van này không đóng kín hoặc suy yếu, khiến axít từ dạ dày hay thức ăn có thể chảy ngược lại vào trong thực quản.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân có thể mang yếu tố nguy cơ cho trào ngược dạ dày thực quản đó là:
- Nhiễm khuẩn HP
- Có thói quen uống rượu – bia, thuốc lá;
- Ăn thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, socola;
- Người có cơ địa bệnh béo phì (do tăng áp lực lên vùng bụng ), phụ nữ mang thai, bệnh nhân hen suyễn, bệnh nhân đái tháo đường, người có cơ địa chậm tiêu hóa của dạ dày, người bệnh rối loạn mô liên kết như xơ cứng bì hay hội chứng Zollinger – Ellison…
Năm 1999, một nghiên cứu nhận thấy rằng: Trung bình 40% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cũng bị nhiễm khuẩn H.Pylori. Tuy nhiên, đánh giá vào năm 2004 cũng cho thấy, giữa hai loại bệnh nhân bị trào ngược thực quản có HP và không có HP không có sự khác biệt đáng kể về mặt lâm sàng các triệu chứng cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh [1].
Để tìm hiểu về vi khuẩn HP, các bạn có thể đọc bài viết: Vi khuẩn HP trong dày là gì?
Biến chứng nếu không điều trị
Trào ngược dạ dày thực quản gây ra các biến chứng có thể thấy ngay ở đường tiêu hóa mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản và hệ thống hô hấp. Điển hình là những biến chứng dưới đây:
Hẹp thực quản
Biến chứng thường gặp nhất của trào ngược dạ dày là viêm, loét dẫn đến hẹp thực quản. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng khó chịu như: khó nuốt, đau khi nuốt, đau ngực, đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, giảm sự thèm ăn.
Viêm hệ thống hô hấp
Chỉ một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi.
Khi dịch acid dạ dày trào vào vùng hầu họng sẽ gây ra những biểu hiện như: ho, khò khè kéo dài, khàn tiếng. Gần đây, các nhà khoa học cũng chỉ ra mối liên quan mật thiết ở những người bị bệnh GERD và tình trạng hen suyễn.
Những người bị trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể bị mòn răng, viêm tai do acid dạ dày tràn vào.
Barrett thực quản
Barrett thực quản là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với acid dạ dày.
Chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ của những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thành Barrett thực quản. Tuy nhiên, sự biến đổi của tế bào trong bệnh Barrett thực quản là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư thực quản. Vì thế, đây là một trong những biến chứng rất nguy hiểm của trào ngược dạ dày thực quản.
Ung thư thực quản
Là biến chứng rất hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra đối với căn bệnh này. Ung thư thực quản do trào ngược dạ dày thực quản thường gặp ở những người trên 50 tuổi.
Các triệu chứng thường gặp khi bị ung thư thực quản là: nuốt nghẹn, trớ, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Cũng có thể, bạn sẽ thấy sự xuất hiện hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên. Người bệnh sau một thời gian mắc bệnh thì bị sút cân nhanh, suy dinh dưỡng. Ngoài ra còn có một số biểu hiện như: da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ, trong đó nếp nhăn nổi nhiều và rõ nhất, dễ nhận thấy nhất là ở mặt và hai bàn tay.
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản thường được thực hiện khi có các triệu chứng điển hình.
Nội soi là cách xác định chính xác nhất và nhạy nhất tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Cùng với đó, nội soi cũng sẽ cung cấp chẩn đoán chính xác nhất về các sang thương niêm mạc khác, như: viêm thực quản nhiễm khuẩn, loét dạ dày – tá tràng, các bệnh lý ác tính hay các bệnh khác của đường tiêu hóa mà khó phân biệt với trào ngược nếu chỉ dựa vào bệnh sử.
Nội soi cũng là phương pháp nhạy nhất để chẩn đoán bệnh thực quản Barrett, hẹp thực quản do loét.
Các chẩn đoán này rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định tới việc chọn lựa cách điều trị cho bệnh lý này.
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Điều trị nội khoa
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản có thể giải quyết từng bước một.
(1) Thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt
Chế độ ăn uống:
- Bệnh nhân cần tránh các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến áp lực cơ vòng thực quản dưới hoặc kích thực thực quản. Đó là các loại thực phẩm rắn; nhiều dầu mỡ; cà phê; các đồ uống có cồn (nhất là vang đỏ, rượu mạnh); cà chua và các sản phẩm liên quan; gia vị, đồ uống chua; kẹo bạc hà; đồ uống có gas; sô-cô-la;
- Tránh ăn uống quá no, vì nó có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới
- Không nên nằm ngay sau khi ăn, tốt nhất sau khi ăn 2-3 tiếng
- Quá cân có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, vì thế bệnh nhân cũng nên giữ một cân nặng hợp lý
Để tìm hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, các bạn có thể đọc bài viết: Người bệnh trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng gì?
Sinh hoạt:
- Kê đầu cao lên khoảng 15cm khi ngủ
- Không nên mặc quần áo chật (đặc biệt là vùng vụng bụng để tránh áp lực lên vùng bụng)
- Nằm nghiêng sang bên trái: Nằm nghiêng sang bên trái cũng là tư thế giúp cho thực quản cao hơn dạ dày
- Lưu ý khi nâng đồ thì bạn nên ngồi xổm xuống thay vì việc cúi xuống hoàn toàn. Điều này sẽ giúp cho thực quản cao hơn dạ dày làm giảm bớt nguy cơ trào ngược. Ngoài ra, khi bạn ăn nên cố gắng ngồi ở tư thế thẳng lưng nếu không sẽ tạo cơ hội cho acid trào ngược lên thực quản.
(2) Thuốc
Trường hợp bệnh nhẹ có thể sử dụng 1 số thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị như Phosphalugen, Yumagel…uống mỗi gói sau bữa ăn và 1 gói trước khi đi ngủ.
Nếu chưa có hiệu quả hoặc đối với trường hợp nặng hơn thì cần sử dụng thêm thuốc ức chế bơm Proton (PPI) như omeprazol, esomeprazol, vv thuốc có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid và có tính hiệu quả cao hơn thuốc kháng histamin H2. Nhưng các thuốc này nhất thiết phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Để tìm hiểu kỹ hơn về các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản, các bạn có thể tham khảo bài viết: Trào ngược dạ dày uống thuốc gì?
Phẫu thuật
Với những trường hợp điều trị nội khoa nhưng không đạt kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định sang phương pháp phẫu thuật.
Phẫu thuật chữa trào ngược dạ dày được chỉ định cho các bệnh nhân có chỗ chít hẹp do dòng trào ngược gây ra, khó giải quyết, đòi hỏi phải nong lại nhiều lần.
Ngoài ra, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản còn có liệu pháp điều trị vị trí: Điều trị vị trí là cách tiếp cận được thử với tần số tăng dần để giúp giảm bớt các triệu chứng cho người bệnh. Qua những vị trí trên cơ thể, đặc biệt là khi ngủ, bạn có thể làm giảm ợ nóng và các triệu chứng của bệnh gây ra. Triệu chứng tồi tệ nhất của bệnh là vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh.
Kết luận
Như vậy, trào ngược dạ dày thực quản mãn tính là một hiện tượng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.
Bệnh thường đi kèm với các triệu chứng như: ợ nóng và trào ngược axit. Đôi khi bệnh không có triệu chứng rõ ràng và bệnh chỉ được chẩn đoán khi các biến chứng trở nên rõ ràng.
Bệnh nhân cần có ý thức trong việc phòng và điều trị bệnh, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để hiệu quả điều trị bệnh đạt được tốt nhất.
Nếu có bất kì thắc mắc gì về căn bệnh này, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua một trong hai số hotline 0986 316 151. Các bạn cũng có thể để lại bình luận, chuyên gia tư vấn của chúng tôi sẽ giải đáp cụ thể. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!
Nguồn tham khảo:
[1] Fallone CA, Barkun AN, Mayrand S, Wakil G, Friedman G, Szilagyi A, Wheeler C, Ross D (2004). “There is no difference in the disease severity of gastro-oesophageal reflux disease between patients infected and not infected with Helicobacter pylori” (Tạm dịch: Không có sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản giữa bệnh nhân nhiễm và không nhiễm Helicobacter pylori).
Phong says
Em bị cảm giác bị vướng ở cổ, vẫn uống và nuốt bình thường. Xin hỏi có phải bị trào ngược dạ dày không
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Triệu chứng nuốt vướng ở cổ có thể gặp ở một số bệnh lý như viêm họng, dị cảm họng, u thực quản, trào ngược dạ dày…Bạn nên tới cơ sở y tế để thăm khám kiểm tra nhé.
Chúc bạn mạnh khỏe,