Cách thuận tiện nhất để kiểm soát các cơn trào ngược đó là sử dụng thuốc. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày uống thuốc gì cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Theo khuyến cáo mới nhất của thế giới trong hướng dẫn kiểm soát trào ngược, có 3 phương pháp được đề cập tới đó là: thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt; sử dụng thuốc và can thiệp ngoại khoa. Bài viết dưới đây chỉ phân tích về biện pháp sử dụng thuốc để kiểm soát trào ngược.
Các loại thuốc chính để điều trị trào ngược dạ dày
Có ba loại thuốc chính được sử dụng để điều trị trào ngược hiện nay đó là
Thuốc kháng H2 (H2RA- Histamin Receptor Antagonist): gồm cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin. Đây là nhóm thuốc có tác dụng ức chế cạnh tranh với histamin trên thụ thể H2 tại tế bào thành dạ dày, nên ức chế bài tiết cả dịch acid cơ bản (khi đói) và dịch acid do kích thích (bởi thức ăn, histamin, cafein, insulin…). Các thuốc nhóm này có tác dụng làm liền các vết loét dạ dày và tá tràng, làm giảm bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): là thế hệ kế tiếp của thuốc kháng H2, bao gồm omeprazol, esomeprazol, lansoprazol, pantoprazol và rabeprazol. Chúng ức chế bài tiết acid dịch vị do ức chế hệ thống enzym H+/K+-ATPase (“bơm proton”) của tế bào thành dạ dày. Nhóm thuốc PPI có khả năng ức chế bài tiết acid dịch vị trong thời gian dài và hiệu lực mạnh hơn so với nhóm kháng H2. Chính vì vậy, đây là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất trên thế giới trong điều trị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison và phối hợp tiệt trừ Hp.
Thuốc kháng acid (antacid): là các hợp chất có khả năng trung hòa tạm thời môi trường acid trong dạ dày. Thuốc kháng acid sử dụng để giảm triệu chứng nhanh chóng, và tỏ ra hiệu quả với chứng ợ nóng, tuy nhiên không thích hợp nếu sử dụng thuốc kháng acid dài ngày để kiểm soát trào ngược. Thành phần của thuốc trung hòa acid thường gồm natri carbonat, nhôm hoặc ma-giê hydroxyd.
Nên uống thuốc gì và uống như thế nào?
Phác đồ điều trị chứng trào ngược dạ dày tùy thuộc vào phân loại mức độ bệnh, có thể điều trị tăng liều hoặc giảm liều:
Điều trị tăng dần liều: được áp dụng đối với bệnh nhân trào ngược mức độ nhẹ, hoặc triệu chứng trào ngược gián đoạn (ít hơn 2 lần/tuần), đồng thời kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân không bị viêm thực quản. Liệu pháp điều trị duy trì bao gồm các bước sau:
Bước 1: thay đổi chế độ ăn và lối sống +/- sử dụng liều thấp thuốc kháng H2 +/- antacid
Bước 2: thay đổi chế độ ăn và lối sống +/- sử dụng liều chuẩn của thuốc kháng H2 +/- antacid
Bước 3: thay đổi chế độ ăn và lối sống +/- sử dụng liều thấp PPI +/- antacid
Bước 4: thay đổi chế độ ăn và lối sống +/- sử dụng liều chuẩn PPI +/- antacid
Điều trị giảm dần liều: áp dụng đối với các bệnh nhân có dấu hiệu ăn mòn thực quản, triệu chứng trào ngược liên tục (từ 2 lần/tuần trở lên), và các bệnh nhân có triệu chứng nặng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Bước 1: thay đổi chế độ ăn và lối sống + sử dụng liều chuẩn PPI 1 lần/ngày
Bước 2: thay đổi chế độ ăn và lối sống + sử dụng liều thấp PPI
Bước 3: thay đổi chế độ ăn và lối sống + sử dụng liều thấp thuốc kháng H2.
Bước 4: thay đổi chế độ ăn và lối sống và ngưng sử dụng thuốc ức chế tiết acid dạ dày.
Phần lớn các trường hợp trào ngược dạ dày sau khi ngừng sử dụng thuốc một thời gian triệu chứng sẽ bị tái phát, chính vì vậy rất nhiều trường hợp cần sử dụng thuốc ức chế tiết acid dạ dày một cách thường xuyên. Tuy nhiên, việc sử dụng PPI kéo dài trong một số ít trường hợp có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn.
Lưu ý tác dụng không mong muốn với bệnh nhân GERD sử dụng thuốc ức chế tiết acid dạ dày trong thời gian kéo dài và biện pháp phòng ngừa
Giảm hấp thu
Hậu quả lâu dài đầu tiên phải kể đến của việc dùng PPI dài ngày là sự giảm hấp thu các khoáng chất quan trọng của cơ thể, đó là canxi và magie.
Sự thiết canxi có thể dẫn tới gãy xương. Chính vì vậy, với những bệnh nhân loãng xương, chỉ nên sử dụng PPI liều thấp trong thời gian ngắn hạn để phòng tránh tác dụng không mong muốn. Trong trường hợp cần bổ sung thêm canxi, nên lựa chọn chế phẩm canxi citrat vì hợp chất này có thể hấp thu ở môi trường acid yếu.
Sự thiếu hụt magie ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của tim. Theo khuyến cáo của Cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ, bệnh nhân cần được kiểm tra nồng độ magie huyết thanh trước khi bắt đầu điều trị và cần phải được kiểm tra định kỳ khi bệnh nhân sử dụng PPI kéo dài hoặc bệnh nhân dùng đồng thời với thuốc làm giảm magie. Với những bệnh nhân có biểu hiện của sự giảm magie rõ ràng trên lâm sàng có thể yêu cầu dừng liệu pháp PPI, và bổ sung magie qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch, thay thế PPI bằng một nhóm thuốc khác đề điều trị các bệnh dạ dày ruột như thuốc kháng H2.
Nhiễm trùng
Ngoài việc làm giảm hấp thu canxi và magie, bệnh nhân sử dụng PPI dài ngày có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Cơ chế được đề xuất là sự bài tiết acid dịch vị như một cơ chế bảo vệ của cơ thể trước các vi khuẩn đường ruột, và việc làm tăng pH ở dạ dày trong khi sử dụng PPI tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công. Trong hướng dẫn năm 2013 của ACG đã cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng tăng lên do Clostridium difficile và viêm phổi mắc phải cộng đồng (CAP – community-acquired pneumonia).
Tăng nguy cơ mắc viêm teo niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày
Sự ức chế dài ngày có thể làm teo niêm mạc thành dạ dày có nhiệm vụ bài tiết acid. Đặc biệt, sử dụng PPI ở bệnh nhân có nhiễm Hp (H.pylori) có thể liên quan tới việc thúc đẩy tiến trình viêm teo niêm mạc dạ dày. Đây là tiền đề cho sự biến đổi hình thái cáu trúc của tế bòa niêm mạc dạ dày, có thể dẫn tới tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng PPI ở nhóm bệnh nhân có Hp dương tính làm gia tăng 7 – 10 lần tỉ lệ mắc viêm teo niêm mạc dạ dày. Chính vì vậy mà một số ý kiến cho rằng với những bệnh nhân phải sử dụng PPI kéo dài thì nên cân nhắc tiệt trừ Hp với mục đích phòng ngừa viêm teo niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày.
DS. Minh Tâm