Thuốc ức chế tiết acid dạ dày nhóm ức chế bơm proton (PPI) hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các bệnh liên quan tới da dày – tá tràng. Việc dùng thuốc ức chế bơm proton được coi là khá an toàn nhưng nếu sử dụng dài ngày, không kiểm soát có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Nội dung chính
Thuốc ức chế bơm proton – PPI là gì?
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong việc ức chế dài hạn việc bài tiết acid HCl tại dạ dày. PPI có hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị và nhìn chung được dung nạp khá tốt.
Nhóm thuốc này gồm nhiều loại như omeprazole, lansoprazole, esomeprazole, pantoprazole, rabeprazol… hiện đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý có sự tăng tiết acid dịch vị gồm:
- Loét dạ dày – tá tràng lành tính
- Tiệt trừ Helicobacter pylori(phối hợp kháng sinh)
- Dự phòng loét dạ dày do thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
- Trào ngược dạ dày – thực quản
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
Việc sử dụng PPI được cho là khá an toàn, các tác dụng bất lợi liên quan tới PPI tương đối thấp so với những lợi ích mà thuốc đem lại. PPI nên được dùng ở liều thấp có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Tuy nhiên, khi sử dụng PPI liều cao, kéo dài có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Tác dụng phụ khi dùng PPI kéo dài
Hậu quả khi dùng PPI kéo dài được chia thành 2 nhóm chính là giảm hấp thu và nhiễm trùng. Giảm hấp thu canxi và magie; nhiễm trùng Clostridium Difficile và viêm phổi là những hậu quả đáng quan tâm nhất khi dùng PPI kéo dài.
Giảm hấp thu canxi
Canxi là thành phần quan trọng đối với sức khỏe và là thành phần cấu trúc chính của xương. Bên cạnh chức năng nâng đỡ, vận động thì xương còn là nguồn dự trữ canxi, chiếm tới 99% lượng canxi trong cơ thể. Việc sử dụng PPI kéo dài làm thay đổi môi trường acid trong dạ dày, dẫn tới giảm hấp thu canxi. Lúc này, để có đủ canxi cho các hoạt động sống thì canxi sẽ được huy động từ xương, gây ra tình trạng loãng xương và nguy cơ gãy xương.
Những nhiên cứu cho thấy, sử dụng PPI có liên quan tới giảm mật độ xương, đặc biệt là xương hông và xương đùi. Người dùng PPI liều cao có nguy cơ gãy xương cao hơn người dùng liều thấp, bệnh nhân sử dụng PPI kéo dài trên 1 năm có nhiều khả năng bị gãy xương. Hiện nay Bộ y tế Canada và FDA đều khuyến cáo bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh loãng xương cần được theo dõi chặt chẽ và chỉ nên điều trị PPI ngắn hạn ở liều thấp nhất có hiệu quả. Trường hợp cần bổ sung canxi nên sử dụng chế phẩm chứa canxi citrat vì dạng canxi này có thể hấp thu được ở trong môi trường acid yếu.
Giảm hấp thu Magie
Tháng 3/2011, FDA đã đưa ra cảnh báo về việc giảm nồng độ magie huyết thanh liên quan tới việc sử dụng PPI dài ngày. Phân tích từ Hệ thống báo cáo phản ứng bất lợi (AERS) thuộc FDA cho thấy, có khoảng 1% người dùng PPI dài ngày bị hạ magie huyết. Hậu quả của hạ magie huyết bao gồm co giật, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, co rút cơ kiểu Tetany, thậm chí là tử vong. Tình trạng hạ magie huyết sẽ được giải quyết khi ngừng PPI, nhưng tái phát ngay sau khi sử dụng PPI lại.
Việc sử dụng PPI cùng với các thuốc lợi tiểu cũng làm tăng khoảng 55% nguy cơ bị hạ magie huyết. Do đó FDA khuyến cáo nên kiểm tra nồng độ magie huyết thanh định kì cho những bệnh nhân dùng PPI kéo dài. Trường hợp bị hạ magie huyết có thể phải ngừng PPI và sử dụng thuốc thay thế khác như thuốc kháng H2.
Nhiễm trùng Clostridium Difficille
Nhiễm trùng C.Difficile có thể gây ra bệnh lý đường ruột ở các mức độ khác nhau, từ tiêu chảy nhẹ cho tới viêm ruột, viêm đại tràng giả mạc và thậm chí tử vong. Trong một nghiên cứu hồi cứu năm 2005, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người sử dụng PPI có nguy cơ nhiễm C.Difficile cao gấp 2,9 lần so với người không sử dụng và thường gặp ở người cao tuổi (trên 65 tuổi). Bệnh nhân sử dụng PPI trong quá trình điều trị C.Difficile cũng có khả năng bị nhiễm trùng tái phát nhiều hơn tới 42%.
Viêm phổi
Việc sử dụng PPI ngắn ngày có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng dài ngày PPI có làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi hay không vẫn còn là vấn đề tranh cãi do các dữ liệu nghiên cứu chưa thống nhất với nhau. Tuy nhiên, trước sự phổ biến của việc sử dụng PPI hiện nay thì nguy cơ viêm phổi mắc phải tại cộng đồng do dùng PPI cũng rất đáng để quan tâm.
Ngừng PPI và nguy cơ tăng tiết acid “hồi ứng”
Nguyên tắc trong sử dụng PPI để điều trị các bệnh lý là sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất đạt hiệu quả điều trị bệnh. Với các bệnh lý viêm loét dạ dày do nhiễm khuẩn H.Pylori có thể dùng PPI phối hợp kháng sinh trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân cần sử dụng PPI kéo dài tới hàng tháng, hàng năm như bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, Barret thực quản…thì trước khi ngừng thuốc cần có sự tư vấn của bác sỹ, thầy thuốc, và nên giảm liều dần để tránh hiện tượng tăng tiết acid hồi ứng. Chẳng hạn bệnh nhân GERD sử dụng Omeprazole 20mg/ngày để điều trị triệu chứng. Sau 6 tuần đáp ứng điều trị tốt, triệu chứng cải thiện có thể giảm liều xuống 10mg/ngày và duy trì trong 2 tuần rồi ngừng hoàn toàn. Khi triệu chứng tái phát lại có thể tiếp tục sử dụng Omeprazole để kiểm soát triệu chứng.
Tăng tiết acid hồi ứng là hiện tượng acid dạ dày tăng cao trong vòng 1 tuần sau khi ngừng PPI khiến bệnh nhân có thể có các triệu chứng như khó tiêu, nóng vùng thượng vị…Trường hợp xảy ra hồi ứng bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng acid và chất chống đầy hơi để thay thế. Hiện tượng hồi ứng thường sẽ hết trong vòng 2 tuần sau khi ngừng thuốc.
Các trường hợp cần dùng PPI kéo dài cũng nên cân nhắc điều trị diệt trừ vi khuẩn HP để phòng tránh nguy cơ ung thư dạ dày.
Châu anh says
Các PPI có tác dụng ức chế bơm proton trong bao lâu
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
PPIs là tên gọi của 1 nhóm thuốc có tác dụng ức chế bơm H+ để giảm tiết acid dịch vị. Đây là một tiền thuốc, khi đi vào cơ thể sẽ được hoạt hóa thành dạng có hoạt tính (dạng sulfenamid) với các nguyên tử sulfur bộc lộ. Các nguyên tử sulfur này sẽ gắn kết đồng hóa trị với các nguyên tử sulfur trong nhóm cystein của men H+,K+/ATPase (bơm proton) làm bất hoạt men này. Từ đó nó ức chế giai đọan cuối cùng trong quá trình tạo acid.
Mỗi thuốc thuộc nhóm PPIs có thời gian bán thải khác nhau, chẳng hạn Rabeprazole có thời gian bán thải rất ngắn (0,6-1,4h), tuy nhiên, tác dụng kéo dài hơn rất nhiều khoảng thời gian này do liên kết với men H+,K+/ATPase là không thuận nghịch. Tác dụng của PPI sẽ mất dần đi khi các bơm mới được tổng hợp. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 20% bơm mới được tổng hợp sau 24h, và bơm được tổng hợp nhiều hơn vào ban đêm. Lúc này, tác dụng ức chế bơm proton vẫn còn (do bơm mới chưa tổng hợp 100%), nhưng không đủ tác dụng để kiểm soát acid dạ dày ở ngưỡng mong muốn. Liều sử dụng PPI tối thiểu phải là 1 lần/ngày để có thể duy trì pH dạ dày trong ngày trung bình là 3-4. Do vậy, các trường hợp điều trị bệnh dạ dày thông thường có thể sử dụng PPI một liều duy nhất vào buổi sáng hoặc tối, nhưng cũng có trường hợp phải dùng hàm lượng cao và 2 lần/ngày để ức chế tiết acid dạ dày mạnh hơn (chẳng hạn trong tiệt trừ HP, gerd, hội chứng Zollinger-Ellison).
Hi vọng thông tin chúng tôi cung cấp có ích cho bạn, điều quan trọng nhất bạn vẫn cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Bảo says
Uống 2 viên omeprazol 40mg 1 ngày có sao không ạ? Em 17 tuổi, em đọc nhầm từ uống 1 viên 1 ngày và em uống nhầm 2 viên 1 ngày trong 1 tuần. Em bị hp ạ
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Trước tiên thì liều dùng của 80mg omeprazole/ngày vẫn nằm trong ngưỡng an toàn nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, để điều trị tiệt trừ HP bạn nên dùng Omeprazole 20mg x 2 lần/ngày, uống phối hợp cùng các thuốc kháng sinh theo phác đồ thì sẽ có hiệu quả tốt hơn uống 40mg x 1 lần/ngày.
Chúc bạn mạnh khoẻ,