Phẫu thuật điều trị Ung thư dạ dày cho người bệnh ở giai đoạn O, I, II hay III là cách duy nhất điều trị tận gốc bệnh. Tùy vào từng giai đoạn cũng như mức độ di căn của bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng những phương pháp phẫu thuật phù hợp cho người bệnh. Ở bài viết này tôi sẽ đề cập đến các phương pháp phẫu thuật ung thu dạ dày giúp các bạn hiểu thêm về bệnh.
Xem thêm: Tổng quan bệnh Ung thư dạ dày
Tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư dạ dày mà bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Đôi khi các bác sĩ cũng cần loại bỏ các nội tạng khác nhưng bác sĩ sẽ cố gắng để giữ lại tối đa phần dạ dày không bị bệnh.
Nếu vùng ung thư dạ dày đã di căn quá rộng tới mức không thể cắt bỏ hết thì bệnh nhân vẫn phải phẫu thuật để ngăn ngừa tình trạng chảy máu từ khối u và ngăn dạ dày không bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, loại phẫu thuật này không thể điều trị tận gốc được bệnh ung thư mà chỉ làm giảm được các triệu chứng của bệnh.
Dưới đây là các loại phẫu thuật khác nhau có thể được sử dụng để điều trị ung thư dạ dày.
Nội dung chính
Các phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày
Phẫu thuật cắt dạ dày bằng nội soi
Phương pháp phẫu thuật này chỉ dùng cho những bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu khi mà mức độ di căn ung thư đến các hạch bạch huyết là rất thấp. Loại phẫu thuật này bác sĩ không cần rạch trên da bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ống nội soi xuống cổ họng và vào dạ dày. Dụng cụ phẫu thuật có thể được đưa qua ống nội soi để cắt bỏ khối u và một phần của thành dạ dày bình thường xung quanh nó.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày
Nếu khối u nằm dưới phần dạ dày thì bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật ung thư dạ dày này. Một vài trường hợp bệnh nhân có ung thư chỉ nằm ở phần dạ dày trên cũng có thể sử dụng loại phẫu thuật này.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày là bác sĩ sẽ chỉ cắt bỏ phần dạ dày bị ung thư, có khi cùng với một phần thực quản hoặc phần đầu của tá tràng. Một số bộ phận cũng có thể cắt bỏ như: mô mỡ bao phủ dạ dày và ruột, các hạch bạch huyết lân cận, lá lách và các bộ phận lân cận. Những phần dạ dày còn lại sẽ được các bác sĩ nối lại.
Sau phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày bệnh nhân có thể ăn uống dễ dàng hơn nhiều so với cắt bỏ toàn bộ dạ dày.
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày
Khi ung thư đã di căn đến khắp bụng, ung thư nằm ở phần trên dạ dày, gần thực quản thì bệnh nhân sẽ được thực hiện phẫu thuật này.
Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày, các hạch bạch huyết lân cận, mạc nối, và có thể loại bỏ lá lách và một phần thực quản, ruột, tụy, hoặc các cơ quan lân cận khác. Đoạn cuối của thực quản sau đó được gắn vào một phần của ruột non, cho phép thức ăn di chuyển xuống ruột. Nhưng những người phải phẫu thuật cắt bỏ dạ dày chỉ có thể ăn một ít thức ăn trong mỗi lần ăn, do đó, họ phải ăn thường xuyên hơn.
Dù là cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày đều được thực hiện thông qua vết rạch lớn ở vùng bụng. Một vài trung tâm sẽ thực hiện bằng phẫu thuật nội soi để vết cắt ở vùng bụng nhỏ hơn.
Đặt ống cho ăn
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống, Vì thế, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ sẽ đặt một ống ở trong ruột bệnh nhân. Điểm cuối của ống được đặt ở bên ngaoif da bụng. Sau phẫu thuật, những dinh dưỡng dạng lỏng có thể được đưa thông qua ống này và đi trực tiếp vào ruột để giúp ngăn ngừa và điều trị suy dinh dưỡng.
Loại bỏ hạch bạch huyết
Nhiều bác sĩ cho rằng ca phẫu thuật ung thư dạ dày có thành công hay không cũng có liên quan trực tiếp đến số lượng hạch bạch huyết bị cắt bỏ. Vì vậy, đây được coi là một phần rất quan trọng. Cách hạch bạch huyết gần kề cũng bị cắt bỏ khi phẫu thuật ung thư dạ dày cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày.
Tại Hoa Kỳ, khi thực hiện phẫu thuật dạ dày thì số lượng hạch bạch huyết được khuyến cáo cắt bỏ ít nhất là 15 hạch (gọi là phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết cấp D1. Bác sĩ tại Nhật Bản rất thành công trong việc loại bỏ nhiều hạch bạch huyết nằm gần ví trí ung thư (gọi là phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết cấp D2).
Phẫu thuật giảm triệu chứng khi ung thư dạ dày không thể cắt bỏ hoàn toàn
Đối với những người bị ung thư dạ dày không thể phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn, phẫu thuật có thể vẫn thường được sử dụng để giúp kiểm soát bệnh ung thư hoặc để ngăn ngừa hoặc làm giảm triệu chứng hoặc biến chứng. Các loại phẫu thuật giảm triệu chứng như:
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày: Phẫu thuật loại bỏ một phần dạ dày có thể giúp điều trị các vấn đề như chảy máu, đau, hoặc tắc nghẽn trong dạ dày, thậm chí nếu loại phẫu thuật ung thư dạ dày này không thể chữa khỏi được bệnh ung thư. Vì mục đích của loại phẫu thuật này không phải là để chữa tận gốc bệnh ung thư, các hạch bạch huyết lân cận và các bộ phận của cơ quan khác thường không cần cắt bỏ.
- Phẫu thuật cắt bỏ hỗng tràng – dạ dày: Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện bằng cách gắn một phần của hỗng tràng với phần dạ dày trên, cho phép thức ăn đi qua dạ dày thông qua phần nối mới.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng nội soi: Với những trường hợp bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật thì bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật này. Bác sĩ dùng một ống nội soi (một ống mềm dài thông xuống cổ họng) để hướng dẫn một chùm tia laze làm tiêu một phần khối u. Điều này có thể được thực hiện để ngăn chảy máu hoặc giúp giảm tắc nghẽn mà không cần đến phẫu thuật.
- Đặt stent: Phương pháp này để ngăn một khối u không gây tắc nghẽn tại đầu hoặc cuối của dạ dày, bác sĩ sẽ lựa chọn sử dụng một ống nội soi để đặt một stent (một ống kim loại rỗng). Điều này giúp giữ dạ dày mở và cho phép thức ăn đi qua dạ dày. Đối với các khối u ở phần dạ dày trên, stent được đặt ở chỗ giao thực quản và dạ dày. Đối với các khối u ở phần dạ dày dưới, các stent được đặt ở chỗ giao của dạ dày và ruột non.
- Đặt ống cho ăn: Một số người bị ung thư dạ dày không thể ăn hay uống đủ để có đầy đủ dinh dưỡng. Bác sĩ có thể sẽ thực hiện một phẫu thuật nhỏ để đặt một ống thông qua da thành bụng tới phần cuối dạ dày hoặc vào ruột non. Sau đó, thức ăn lỏng có thể được đưa trực tiếp vào ống.
Biến chứng và tác dụng phụ của phẫu thuật
Phẫu thuật ung thư dạ dày rất khó khăn và có thể có biến chứng, như chảy máu sau phẫu thuật, hình thành cục máu đông, và tổn thương các cơ quan lân cận trong khi phẫu thuật. Bạn có thể gặp các phản ứng phụ sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày như:
- Buồn nôn
- Ợ chua
- Đau bụng
- Tiêu chảy
Nguyên nhân của những phản ứng phụ là do sau phẫu thuật thức ăn đi vào ruột quá nhanh. Do vậy, bạn sẽ không được phép ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong ít nhất một vài ngày sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày với phương pháp cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày để hệ tiêu hóa lành nhanh hơn và tránh bị rò rỉ ở các bộ phận bị khâu trong quá trình phẫu thuật.
Bên cạnh đó sau khi phẫu thuật bạn cần thay đổi chế độ ăn uống của mình cho phù hợp với phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày. Dạ dày giúp hấp thụ một số vitamin, do vậy sau phẫu thuật người bệnh có thể bị thiếu hụt vitamin. Sau phẫu thuật các bác sĩ sẽ kê đơn để bổ sung lượng vitamin.
Khi xảy ra bất kỳ triệu chứng, tác dụng phụ nào sau phẫu thuật ung thư dạ dày bạn cần thông báo ngay cho bác sũ. Bởi ở một số người các phản ứng phụ có thể sẽ kéo dài trong một thời gian dài. Thông báo kịp thời cho bác sĩ thì bác sĩ có thể kê toa thuốc để hỗ trợ điều trị các phản ứng phụ.
Ung thư dạ dày có khả năng sẽ tái phát vì vậy bạn cần thảo luận với bác sĩ về mức độ phẫu thuật trước khi phẫu thuật. Và điều quan trọng là cần đảm bảo rằng bác sĩ phẫu thuật ung thư dạ dày là người có nhiều kinh nghiệm để ca phẫu thuật an toàn và hiệu quả.
(OK) Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Long
Nguyen thị na says
Ba em mổ nối dạ dày.nhưng bs để k dạ dày có phải ung thư ko ạ
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Chúng tôi rất tiếc nhưng K dạ dày chính là ung thư dạ dày bạn nhé.
Chúc bạn mạnh khỏe,