Mối liên hệ giữa nhóm máu O với viêm loét dạ dày tá tràng đã được bác sỹ Alexander bàn tới từ năm 1921. Kể từ sau đó, rất nhiều nghiên cứu đã triển khai nhằm xác nhận mối liên hệ này, tuy kết quả có giống nhau nhưng việc giải thích vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong số những nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa nhóm máu O với bệnh loét dạ dày, Aird và các cộng sự đã chỉ ra những người có nhóm máu O có nguy cơ bị Loét dạ dày cao hơn 35% so với những người có nhóm máu khác.
Kết quả làm việc của Robert và cộng sự cũng chỉ ra rằng các ca bệnh loét tá tràng ở những người nhóm máu O nhiều hơn 1.38 lần so với những người không thuộc nhóm máu O. Nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng loét tá tràng ở những người có nhóm máu O phổ biến hơn so với những người nhóm máu khác tới 40%.
Nhiều cuộc khảo sát khác được tiến hành dẫn tới việc quan sát các bệnh nhân tiết ra kháng nguyên ABH trong máu. Nghiên cứu sâu hơn cho rằng những người thuộc nhóm máu O có thể sản xuất nhiều acid Hydrocloric hơn dẫn tới dễ loét dạ dày tá tràng. Gần đây, người ta cũng chứng minh rằng, tế bào niêm mạc dạ dày của những người có nhóm máu O thường có khả năng gắn kết chặt hơn với vi khuẩn Hp. Mật độ vi khuẩn dày hơn ở trên bề mặt niêm mạc làm tăng phản ứng viêm và đó là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ người mang nhóm máu O bị loét dạ dày tá tràng bởi vì vi khuẩn Hp cho tới nay được coi là tác nhân gây loét dạ dày tá tràng.
Nghiên cứu tiến hành ở Iraq cũng chỉ ra tần suất bệnh loét dạ dày cao hơn ở những người nhóm máu O. Số bệnh nhân có huyết thanh dương tính với kháng thể Hp có tỷ lệ thấp hơn tương đối ở các nhóm máu khác so với nhóm máu O. Một nghiên cứu tìm hiểu về cơ chế của mối liên hệ này chỉ ra rằng nồng độ pepsinogen huyết thanh được tìm thấy nhiều hơn ở người nhóm máu O so với nhóm máu A. Người ta cũng tin rằng sự khác biệt về lượng pepsinogen trong huyết thanh có mối liên hệ với kích thước của tế bào tiết tại dạ dày. Về mặt lý thuyết, khối lượng tế bào tiết acid dạ dày ở người nhóm máu O lớn hơn những người nhóm máu khác. Đây có thể là một trong những nguyên nhân tại sao người nhóm máu O dễ bị loét dạ dày hơn những người nhóm máu khác.
Hầu hết các nghiên cứu, điều tra cho tới hiện nay đều kết luận mối liên hệ giữa nhóm máu O với bệnh loét dạ dày tá tràng. Các nghiên cứu giải thích tập trung vào mối quan hệ giữa người mang nhóm máu O với vi khuẩn Hp và một vài yếu tố phụ trợ khác giúp cho bệnh dễ dàng phát triển hơn. Tuy nhiên, để chứng minh hoàn toàn cho mối liên hệ này, các nhà khoa học cần tiến hành thêm nghiên cứu về cơ chế và nguyên nhân của bệnh Loét dạ dày tá tràng cũng như tương tác của cơ thể với vi khuẩn Hp.
DS. Thu Lan tổng hợp và lược dịch