Việc giảm cân với những người bình thường đã khó thì với những người bị bệnh đau dạ dày lại càng khó khăn hơn nhiều vì nếu ăn sai cách không những không giảm được cân mà còn khiến cho tình trạng đau dạ dày tồi tệ hơn. Vậy người đau dạ dày mà muốn giảm cân thì nên ăn gì, kiêng gì, cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Nội dung chính
Khó khăn trong xây dựng thực đơn cho người đau dạ dày
Nguyên nhân bệnh thừa cân béo phì phần lớn là do lượng năng lượng hấp thụ vào cơ thể cao hơn lượng năng bị tiêu hao đi, khiến cho lượng mỡ tích lũy trong cơ thể ngày càng nhiều hơn. Mà phần lớn là do chế độ ăn uống. Chế độ ăn uống lại có liên quan mật thiết đến bệnh dạ dày
Đau dạ dày (hay còn gọi là đau bao tử) là căn bệnh rất phổ biến, tuy không phải là bệnh nan y, xong đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với thức ăn và phải hoạt động nhiều trong môi trường ẩm ướt nên các thương tổn trong dạ dày khó lành.
Đối với người béo phì, kèm theo đau dạ dày, việc xây dựng thực đơn trở nên khó khăn rất nhiều. Do dạ dày tổn thương, thức ăn không tiêu hóa được, dẫn đến tình trạng ăn không ngon, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân và sức khỏe của người bệnh.
Tổn thương dạ dày khiến người bệnh phải kiêng khem, hạn chế một số loại thực phẩm có chứa nhiều acid hoặc các chất gây hại cho tổn thương dạ dày, quá trình chuẩn bị bữa ăn cũng diễn ra lâu hơn (do đồ ăn cần chín kĩ hoặc xay nhỏ để giúp người bệnh tiêu hóa dễ hơn). Do đó, người đau dạ dày đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ hơn nhiều lần trong quá trình xây dựng thực đơn giảm cân.
Người bị đau dạ dày thường có các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Thường xuyên buồn nôn, ợ chua do trào ngược dạ dày. Các cơn đau dạ dày thường xuyên hoặc xuất hiện đột ngột cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe cũng như quá trình luyện tập giảm cân của người bệnh.
Tóm lại người đau dạ dày cần kĩ càng và cẩn thận hơn khi tìm hiểu thông tin để lên thực đơn giảm cân, tránh mắc sai lầm khiến dạ dày tệ hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xem thêm : Cách giảm bệnh đau dạ dày hiệu quả
Nguyên tắc xây dựng thực đơn giảm cân cho người đau dạ dày
Có nhiều cách giảm cân khác nhau, tuy nhiên nếu áp dụng sau cách sẽ không đạt hiệu quả tốt mà còn làm tình trạng đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt loét dạ dày khiến bạn trở nên rất nhạy cảm với các vấn đề về ăn uống. Do đó, nếu muốn giảm cân, người bị đau dạ dày cần nắm rõ những nguyên tắc dưới đây:
Không nhịn ăn, bỏ bữa
Quan niệm “nhịn ăn để giảm cân” là một quan niệm sai lầm cần bỏ ngay. Việc “bỏ đói” dạ dày sẽ làm quá tình hoạt động của hệ tiêu hóa bị thay đổi đột ngột, dạ dày sẽ tiết ra các axit khiến tình trạng viêm loét nghiêm trọng hơn, biểu hơn bằng các cơn đau quặn và thời gian kéo dài.
Việc nhịn ăn, đặc biệt là nhịn bữa sáng không những khiến bạn không giảm cân mà còn tăng cân ngược trở lại. Bởi vì bỏ bữa ăn sáng khiến cơ thể đói và thèm ăn nhiều hơn vào buổi trưa và buổi tối, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều đường, chất béo.
Ngoài ra, việc bỏ bữa ăn trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược, mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm. Không ít người bị hạ đường huyết, ngất xỉu do lối suy nghĩ sai lầm “nhịn ăn để giảm cân”.
Ăn chậm, nhai kỹ
Nếu bạn có thói quen ăn nhanh, hãy bỏ ngay. Thói quen này khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng mà trực tiếp đến dạ dày ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Lúc này, thức ăn sẽ tác động lên lớp niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn.
Hãy ăn chậm và nhai kỹ. Khi thức ăn được nhai kỹ, nước bọt được tiết ra nhiều hơn điều này có lợi co việc bảo vệ lớp niêm mạch dạ dày đồng thời giảm gánh nặng cho dạ dày, dạ dày được nghỉ ngời nhiều hơn. Ngoài ra, ăn chậm nhai kỹ khiến bạn nhanh no và no lâu hơn, giúp giảm lương calo nạp vào cơ thể.
Không nên ăn quá no
Việc ăn quá no khiến cơ thể không tiêu hóa hết được năng lượng bạn nạp vào, lâu dần hình thành mỡ thừa. Ngoài ra, thói quen này khiến bệnh dạ dày của bạn nặng hơn. Khi ăn quá no, dạ dày phải bài tiết dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Do đó, dạ dày phải làm việc quá tải, các tế bào niêm mạc bị phồng lên gây viêm loét dạ dày.
Mẹo để khắc phục thói quen này đó là bạn nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa). Việc chia nhỏ bữa ăn giúp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể. Ngoài ra, các bữa ăn nhỏ có tác dụng rất tốt cho bệnh dạ dày, nó giúp trung hòa được lượng acid cần thiết cho việc tiêu hóa thức ăn. Điều này rất tốt cho việc điều trị bệnh cũng như quá trình giảm cân.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước có tác dụng lợi tiểu, giảm bớt áp lực cho gan thận. Nước giúp cơ thể giữ ẩm và đào thải độc tố ra ngoài. Quan trọng hơn là nó khiến bạn cảm thấy no và hạn chế thói quen ăn vặt. Bạn sẽ hạn chế được một lượng lớn calo nạp vào cơ thể nhờ việc siêng uống nước. Khi uống nước, bạn nên ưu tiên uống nước ấm. Mục đích của việc này là xoa dịu các vết loét ở thành dạ dày nó giúp bạn làm dịu các cơn đau.
Tuy nhiên, bạn không nên uống quá nhiều nước trong bữa ăn hoặc sát giờ ăn vì nó sẽ làm loãng nồng độ acid trung bình trong dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Theo các chuyên gia, thời điểm uống nước tốt nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm; khoảng 1 giờ trước hoặc sau bữa ăn cũng là thời điểm thích hợp.
Người đau dạ dày nên ăn gì để vừa giảm đau dạ dày, vừa giảm được cân?
Nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa
Tiêu hóa dễ dàng vừa đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng nuôi cơ thể mà lại vừa có lợi cho dạ dày. Vì vậy đây là nhóm thực phẩm ưu tiên hàng đầu cho người đau dạ dày. Nên lựa chọn các thực phẩm như: cháo, súp, canh, đồ ăn hầm kỹ,…
Nhóm thực phẩm làm lành vết loét
Để vết loét nhanh phục hồi, hãy lựa chọn các thực phẩm giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết để tái tạo lại lớp niêm mạc ở vị trí loét. Những dưỡng chất cần thiết đó là: protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin và khoáng chất… Các chất này có nhiều trong: thịt nạc, tôm cá, rau màu xanh đậm như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn…
Nhóm thực phẩm bảo vệ niêm mạc
Bảo vệ niêm mạc dạ dày chính là bảo vệ các vết loét trước sự tấn công của các yếu tố gây đau dạ dày như vi khuẩn HP, axit dạ dày. Nhờ đó hạn chế các cơn đau và giúp vết loét có thời gian để hồi phục.
Những thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày tiêu biểu như: trứng, sữa, mật ong,… Ngoài ra còn có 1 số trái cây ngọt như dưa hấu, thanh long,chuối, táo,…
Nhóm thực phẩm trung hòa axit dạ dày
Trung hòa axit dạ dày giúp các vết loét hạn chế được sự tấn công của axit nên tình trạng đau nhờ đó thuyên giảm. Những thực phẩm có khả năng làm được điều này bao gồm:
- Các loại thực phẩm thô như ngũ cốc và các loại tinh bột (gạo trắng, bánh mì, khoai,…) giúp thẩm thấu nhan dịch vị, trung hòa acid trong dạ dày.
- Các loại dầu thực vật ( dầu ô liu, dầu hướng dương,dầu đậu nành,…) có thể làm giảm tiết dịch vị nhưng chỉ nên dùng một lượng nhỏ
Và nên kiêng gì?
Do lớp niêm mạc của dạ dày bị tổn thương hay thậm chí viêm loét nên khi lên thực đơn giảm cân, người bệnh cần hạn chế sử dụng hoặc loại bỏ một số thực phẩm, đồ uống dưới đây:
Đồ ăn dai và cứng: Các thực phẩm dai và cứng như xương, gân,… người bệnh đau dạ dày cần tránh xa. Bởi chúng khi nạp vào cơ thể sẽ khiến lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, dẫn đến tình trạng bệnh của bạn ngày càng nặng nề hơn.
Đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ: Những loại thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, thịt đóng hộp, xúc xích,… và những món nhiều dầu mỡ chứa nhiều cholesterol, không những gây thừa cân béo phì mà khi tiêu hóa chúng, dạ dày cũng phải làm việc nhiều hơn khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn.
Đồ ăn cay nóng: Bệnh về dạ dày cần loại bỏ hẳn khỏi thực đơn những thức ăn có tính chất cay nóng như ớt tươi, mù tạt, gừng,… bởi chúng có thể kịch ứng dạ dày tiết nhiều dịch hơn khiến tình trạng viêm loét càng nặng hơn
Đồ uống: Các loại nước có ga, cồn có thẻ gây kích thích như bia, rượu, cà phê, chè đặc,… Những đồ uống này khiến tình trạng ợ hơi, viêm loét diễn ra nhanh với tần suất cao hơn dẫn đến tăng thêm tình trạng nghiêm trọng của bệnh.
Trái cây: Các loại trái cây hay nước ép có vị chua như chanh, cam, bưởi, dứa,… là những thực phẩm có tính axit cao sẽ gây nên tình trạng viêm dạ dày
Lưu ý trong chế độ sinh hoạt cho người đau da dày
Bên cạnh chế độ ăn uống thì người bệnh cần kết hợp thêm chế độ sinh hoạt và luyện tập khoa học để vừa hỗ trợ giảm cân mà không gây ảnh hưởng đến dạ dày. Do đó, bạn cần lưu ý một số điều sau để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa:
- Thường xuyên luyện tập các môn thể thao nhưng ở mức độ nhẹ nhàng như: yoga, đi bộ, chạy bền, đạp xe,… để tăng cường sức khỏe.
- Thời gian luyện tập thể thao có thể kéo dài từ 30-45 phút tùy vào tình trạng sức khỏe. Duy trì luyện tập đều đặn từ 3-5 buổi/tuần.
- Ăn uống đủ chất và đúng giờ giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường, cải thiện tình trạng đau dạ dày.
- Ngủ đủ giấc và đúng giờ khiến tinh thần thoải mái, thể chất khỏe mạnh, cơ thể hoat động nhanh nhẹn.
- Tránh căng thẳng, stress quá mức để giảm thiểu các triệu chứng đau dạ dày.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp bạn theo dõi cân nặng cũng như tình trạng về bệnh dạ dày, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả hơn.
Tóm lại, với người bị bệnh dạ dày, việc giảm cân bằng một chế độ ăn quá khắt khe là không thể. Vấn đề giảm cân dành cho người đau dạ dày còn gặp nhiều khó khăn bởi từ chế độ ăn uống cho đến luyện tập đều cần phải đảm bảo nhiều yếu tố để không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
Tuy nhiên bằng cách ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng nhưng ít chất béo kết hợp với vấn động lành mạnh, nhẹ nhàng bạn vẫn có thể kiểm soát cân nặng của mình. Quan trọng hơn hết là không nên nóng vội, bởi giảm cân là cả một quá trình dài, đặc biệt là đối với người bị bệnh về dạ dày càng phải kiên nhẫn hơn hết.
Nguồn: Tổng hợp