Đau bụng từng cơn có thể là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác nhau. Hầu hết, các nguyên nhân này đều nhẹ và phổ biến nhưng trong một vài trường hợp, đau bụng từng cơn lại có thể là triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm khác.
Nội dung chính
Đau bụng và đau bụng từng cơn
Đau bụng là hiện tượng đau xảy ra giữa vùng ngực và vùng xương chậu. Nhiều người nghĩ rằng đau bụng chỉ đơn giản là bụng hay dạ dày bị đau. Tuy nhiên, bụng chứa nhiều cơ quan quan trọng như: dạ dày, thận, gan, ruột, tuyến tụy, túi mật, lách, mạch máu, các mô liên kết, vv. Động mạch chính của tim (động mạch chủ) và tĩnh mạch tim khác cũng đi qua bụng. Bụng cũng là nơi có bốn nhóm cơ bắp cơ bản giúp ổn định và bảo vệ các cơ quan vùng bụng.
Chính vì thế, đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Đau bụng có nhiều dạng khác nhau như đau quặn thắt, đau nhẹ kéo dài, đau bụng từng cơn, vv. Cường độ của cơn đau bụng không nhất thiết phản ánh mức độ trầm trọng của nguyên nhân đau. Đa phần, đau bụng không phải là biểu hiện của một bệnh nguy hiểm cần được điều trị, nó có thể tự khỏi (như rối loạn tiêu hóa). Nhưng cũng có những cơn đau bụng ít hoặc không đau lại là biểu hiện của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng (như ung thư đại tràng hay viêm ruột thừa giai đoạn sớm).
Đau bụng từng cơn có thể chỉ là các cơn đau âm ỉ, có lúc lại đau dữ dội. Đau bụng từng cơn có thể gặp ở cả hai giới và xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Tùy vào mức độ đau bụng, vị trí đau bụng và những triệu chứng đi kèm sẽ liên quan đến các bệnh lý khác nhau.
Đau bụng từng cơn có thể là dấu hiệu của những bệnh gì?
Nguyên nhân có thể gặp ở cả hai giới
Nếu bạn bị đau bụng từng cơn vùng trên rốn, đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý sau:
- Bệnh về gan mật. Xơ gan, ung thư gan, viêm túi mật, sỏi mật, giun chui túi mật.
- Bệnh lý về đại tràng. Hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng cấp tính, ung thư đại tràng, vv.
- Bệnh lý dạ dày. Đau dạ dày, trào ngược dạ dày, viêm dạ dày hành tá tráng, ung thư dạ dày/thực quản cũng có thể gây ra đau bụng từng cơn vùng rốn. Triệu chứng đi kèm có thể là ơ chua, ợ hơi, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn/nôn, đi ngoài phân đen, vv.
Bệnh viêm dạ dày là một bệnh chiếm tỉ lệ cao ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn HP gây ra, ngoài ra còn do 1 số nguyên nhân khác như: Thuốc NSAID, căng thẳng, stress, rượu bia và các chất kích thích
Các cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Nếu kéo dài không điều trị bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng như: hành tá tràng bị biến dạng do loét, hẹp môn vị, sa dạ dày, thậm chí là thủng dạ dày.
Tìm hiểu thêm về các triệu chứng viêm dạ dày tại bài viết: Các triệu chứng viêm dạ dày dễ nhận thấy
Nếu bạn bị đau bụng từng cơn vùng dưới rốn, bệnh lý có thể gặp phải là:
- Bệnh đường ruột. Ung thư trực tràng, viêm ruột thừa, ung thư đại tràng sigma, đám quánh ruột thừa
- Hệ tiết niệu có vấn đề. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (điển hình là do vi khuẩn E.Coli xâm nhập, kèm theo các triệu chứng đau buốt khi đi tiểu, đi ngoài), viêm bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi thận, vv.
- Rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi bị rối loạn tiêu hóa là đau bụng từng cơn, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn, vv.
Nếu bạn bị đau bụng từng cơn xung quanh vùng ổ bụng, vị trí khó xác định có hoặc không kèm theo các triệu chứng bất thường thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý lao màng bụng, viêm phúc mạc, di căn ung thư tới màng bụng.
Nguyên nhân đau bụng từng cơn ở nữ giới
Với riêng nữ giới, đau bụng từng cơn còn có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
- Lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng các tế bào tử cung thay vì phát triển bên trong tử cung thì lại bám trụ và phát triển bên ngoài tử cung. Các triệu chứng chính là đau vùng chậu, đau quặn bụng từng cơn và 70% cơn đau xuất hiện trong kì kinh nguyệt.
- U xơ tử cung. U xơ tử cung thường là khối u lành tính phát triển ở tử cung, kích thước từ rất nhỏ đến rất lớn, có thể là một hoặc nhiều u. Bệnh thường gặp ở những phụ nữ trên 50 tuổi. Triệu chứng thường gặp là có các cơn đau bụng; cơn đau bụng kéo dài khi quan hệ tình dục; xuất huyết âm đạo hoặc rong huyết, cường kinh; luôn cảm thấy buồn tiểu do u ép vào bàng quang, nếu u to có thể chèn ép đến trực tràng gây trĩ và táo bón, vv.
- Viêm vùng chậu. Viêm vùng chậu là bệnh thường gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, có quan hệ tình dục. Thuật ngữ này dùng để chỉ bệnh phụ khoa do bị nhiễm trùng ở cổ tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Ngoài gây đau bụng từng cơn, viêm vùng chậu còn có các biểu hiện như: dịch âm đạo bất thường, đau khi giao hợp, rối loạn kinh nguyệt, xuất hiện âm đạo, vv.
- Ung thư buồng trứng. Những tế bào ung thư được hình thành và lây lan nhanh khiến người bệnh đau bụng từng cơn, khó chịu. Nguyên nhân của bệnh ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết đến, tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, như: tuổi, hormone, vấn đề sinh con. Không có bằng chứng nào cho thấy chế độ ăn giàu chất béo, thoa phấn rôm quanh bộ phận sinh dục hay virus quai bị gây ra căn bệnh này.
- Mang thai ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung cũng gây ra triệu chứng đau bụng từng cơn. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ gặp các triệu chứng khác như: đau bụng dữ dội một bên, chảy máu âm đạo bất thường, nồng độ HCG trong máu giảm dần, vv.
Cần làm gì khi gặp hiện tượng đau bụng từng cơn?
Khi gặp hiện tượng đau bụng từng cơn, cần xem vị trí đau, diễn biến của các cơn đau và các triệu chứng kèm theo. Trên thực tế, rất khó để phân biệt các cơn đau bụng thông thường với các cơn đau bụng nguy hiểm nếu không có bác sĩ khám và chẩn đoán.
Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm cũng như siêu âm, chụp cắt lớp ổ bụng, chụp X-quang để tìm ra chính xác nguyên nhân đau bụng. Sau chẩn đoán cuối cùng của bác sĩ, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bạn sẽ có phác đồ điều trị thích hợp. Với những nguyên nhân không gây nguy hiểm, bạn có thể không cần phải nhập viện hay phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu gặp những biểu hiện sau, bạn cần lập tức trở lại phòng khám:
- Cơn đau trở nên tệ hơn, bạn bắt đầu ói mửa, sốt cao, không thể đi tiểu
- Các triệu chứng bụng không tốt hơn sau 24 giờ
Đối với đau bụng từng cơn do các nguyên nhân nguy hiểm, bạn có thể sẽ phải nhập viện ngay lập tức và làm phẫu thuật.
Đối với đau bụng từng cơn do viêm dạ dày. Khi phát hiện khuẩn HP, bạn bắt buộc phải tiệt trừ vi khuẩn một cách triệt để nhằm trị bệnh và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm mà khuẩn HP có thể gây ra.
Tìm hiểu thêm về khuẩn HP: Vi khuẩn HP có chữa được không?
Trong trường hợp khẩn cấp, nếu không thể liên lạc với gia đình hoặc bác sĩ, hãy gọi 115 – Đây là số điện thoại của hệ thống cấp cứu y tế ngoài bệnh viện. Gọi vào số này để thông báo tình trạng y tế bạn đang gặp phải, cấp cứu 115 sẽ đến địa chỉ bạn cung cấp để sơ cứu và vận chuyển cấp cứu đến bệnh viện tùy theo trạng của người bệnh.