Khi bị đau bụng chúng ta thường nghĩ tới các bệnh lý ở đường tiêu hóa hoặc trong ổ bụng nói chung. Tuy nhiên, có không ít trường hợp đau bụng khi thăm khám không tìm được nguyên nhân. Vậy, đau bụng không rõ nguyên nhân là gì và có nguy hiểm hay không?
Nội dung chính
Đau bụng không rõ nguyên nhân là gì?
Đau là cảm giác được tạo ra bởi hệ thống thần kinh, khi có tác động tại thụ thể cảm nhận gây đau. Thông thường, khi có tổn thương tại tế bào thì cảm giác đau sẽ xuất hiện. Chẳng hạn, khi niêm mạc dạ dày bị viêm hoặc loét, các tế bào tại chỗ sẽ bị kích thích tạo ra các chất hóa học trung gian như histamin, bradykinin, vv – chúng tác động lên thụ thể cảm nhận đau và cho chúng ta biết vị trí đau tại khu vực bị tổn thương (đau thượng vị, đau lệch về bên trái ổ bụng…). Vì chúng ta không thể nhìn thấy bên trong ổ bụng nên để xác định chính xác nguyên nhân gây đau, bác sỹ cần thăm khám và sử dụng một số biện pháp kỹ thuật như nội soi, siêu âm ổ bụng, x-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu,vv. Những biện pháp này sẽ giúp cho bác sỹ biết được đang có sự tổn thương như viêm, loét hay khối u, dị vật… ở vị trí nào trong ổ bụng. Tuy nhiên, có những trường hợp bác sỹ không phát hiện thấy bất cứ sự tổn thương nào nhưng rõ ràng bệnh nhân lại có cảm giác đau bụng. Những trường hợp như vậy được gọi là đau bụng không rõ nguyên nhân, hay còn gọi là đau bụng chức năng.
Đau bụng không rõ nguyên nhân có nguy hiểm hay không?
Khi bạn đã được thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán một cách cẩn thận và được kết luận là đau bụng không rõ nguyên nhân thì có thể yên tâm là các cơ quan trong ổ bụng của bạn vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đau bụng và những triệu chứng kèm theo có thể xuất hiện thường xuyên làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như tạo ra tâm lý lo lắng, chính vì vậy mà cần phải điều trị để giảm bớt các triệu chứng.
Tại sao lại đau bụng khi không có tổn thương?
Vấn đề tâm lý như stress, lo âu, trầm cảm có thể là nguyên nhân dẫn tới đau bụng vô căn
Trên thực tế, không có một nguyên nhân cố định khiến cho chúng ta cảm thấy bị đau bụng trong khi không có tổn thương nào xảy ra. Tuy nhiên, về mặt cơ chế thì các nhà khoa học cho rằng, đau bụng chức năng xảy ra do các tín hiệu thần kinh được tiết ra từ não hoặc ruột đã khiến cho ruột trở nên nhạy cảm quá mức đối với tác nhân gây đau. Một số yếu tố sau được cho là có thể dẫn tới đau bụng chức năng:
- Vấn đề tâm lý: lo lắng, căng thẳng, trầm cảm
- Không dung nạp một số thực phẩm như gluten, fructose, lactose
- Sử dụng chất kích thích
- Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs
Nên làm gì khi đau bụng không rõ nguyên nhân?
Khi bạn đã được thăm khám và xác định bị đau bụng không có căn nguyên cụ thể, trước tiên hãy giữ tinh thần thoải mái, tránh tâm lý lo lắng bởi vì đây không phải bệnh lý và nó không nguy hiểm. Tuy nhiên, để giảm những triệu chứng khó chịu bạn có thể sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sỹ:
- Thuốc giảm đau, chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa….
- Thuốc chống trầm cảm: trong nhiều trường hợp, những cơn đau bụng không có nguyên nhân này là một trong những biểu hiện của bệnh lý trầm cảm. Khi đó, các thuốc giảm triệu chứng sẽ không phát huy hiệu quả và bệnh nhân cần giải quyết căn nguyên tâm lý thì mới hết đau bụng.
>> Xem thêm: Hiểu đúng về bệnh trầm cảm
- Sử dụng men vi sinh (probiotics): một số chủng probiotics đặc biệt không những có khả năng cải thiện chức năng của đường ruột mà còn giúp điều chỉnh tâm trạng, giảm stresss, lo âu, trầm cảm. Điều này nghe khá mới mẻ, tuy nhiên lại là xu hướng mới trong điều trị hiện nay. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh, hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò tối quan trọng trong việc giữ cho hoạt động của đường ruột ổn định, kiểm soát sự bài tiết các chất dẫn truyền thần kinh và đảm bảo cho tín hiệu thần kinh giữa não và ruột được truyền tải đúng. Đây là chìa khóa chính để giải quyết đau bụng không rõ nguyên nhân bởi vì đây được xem là biểu hiện điển hình của sự sai lệch tín hiệu dẫn truyền thông tin não – ruột. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vì có rất nhiều loại probiotics khác nhau trên thị trường, trong khi đó chỉ có một số ít chủng probiotics được chứng minh có tác dụng trên tâm trạng. Bạn có thể tham khảo một công thức probiotics chuyên biệt cho tâm trạng tại đây.
Bên cạnh đó, để giảm đau bụng tốt hơn bạn cũng cần chú ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và sắp xếp công việc hợp lý, tránh căng thẳng quá mức.
Hồ Văn Bát says
Xin chào Bác Sỹ.Tôi xin Bác Sỹ cho lời khuyên la Con trai tôi 27 tuổi khoảng 2 năm nay cứ chừng 4 đến 6 tháng lại bị đau bụng dữ dội đi khám không tìm ra nguyên nhân không biết có nguy hiểm không Nếu đi khám ở việt nam thì ở đâu?Vì chúng tôi không sống ở việt nam Mong bác Sỹ cho lời khuyên.Xin cảm ơn nhiều
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Không rõ ngoài đau bụng bệnh nhân có biểu hiện gì khác như mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn…? Đau bụng dữ dội có thường liên quan tới bệnh lý cấp tính ở ổ bụng, trường hợp đau tái diễn trong thời gian dài còn có thể gợi ý các bệnh lý mạn tính như ung thư (thường kèm theo các biểu hiện khác như gầy sút, mệt mỏi…). Bệnh lý có thể chẩn đoán được thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau. Ngoài ra có một dạng đau bụng khác không liên quan tới bệnh lý, gọi là đau bụng chức năng – thường liên quan tới vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm.
Đối với trường hợp của bạn trước tiên cần phải thăm khám kĩ càng ổ bụng để tìm nguyên nhân. Nếu thăm khám rất nhiều lần không tìm thấy nguyên nhân nào thì có thể khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Tại Việt Nam bạn có thể tham khảo một số cơ sở y tế như BV Bạch Mai, BV ĐH Y Hà Nội, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TP.HCM…
Chúc bạn mạnh khỏe,
Vũ thị hương says
Con cháu đau bụng kéo dài suốt 3 tháng nay rồi. Cháu đưa khắp bv tuyến trung ương vẫn chưa ra bệnh. Bs giúp con cháu mới
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Không rõ tần suất, mức độ đau bụng của bé như thế nào? Ngoài đau bụng bệnh nhân có biểu hiện gì khác như mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn…? Bé đã làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh? Đau bụng tái diễn trong thời gian kéo dài ở trẻ nhỏ thường liên quan tới bệnh lý mạn tính như đau dạ dày, viêm tụy, bệnh lý gan mật…. Bệnh lý có thể chẩn đoán được thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng khác nhau như siêu âm ổ bụng, nội soi đường tiêu hóa, x-quang, xét nghiệm máu… Ngoài ra có một dạng đau bụng khác không phải bệnh lý, gọi là đau bụng chức năng – thường liên quan tới vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo lắng rất khó phát hiện ở trẻ nhỏ. Dạng đau bụng này sẽ tự khỏi và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ.
Đối với trường hợp của bé trước tiên cần phải thăm khám kĩ càng ổ bụng để tìm nguyên nhân. Nếu thăm khám rất nhiều lần không tìm thấy nguyên nhân nào thì có thể là dạng đau bụng chức năng. Khi đó bạn có thể cho con sử dụng 1 số sản phẩm an toàn để điều chỉnh trạng thái tâm lý, chẳng hạn như Cerebio (Ecologic Barrier) ngày 1 gói x 1-3 tháng. Trường hợp bạn thấy bé có các biểu hiện rõ về mặt tâm lý như dễ cáu gắt kích động hoặc buồn bã, ủ rũ, ít giao tiếp với người xung quanh…thì nên đưa con tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa sức khỏe tâm thần để kiểm tra thêm nhé.
Chúc bạn mạnh khỏe,
Đánh thị ngọc mai says
Bụng bị sưng đi lại bị đau hong ạ
Chuyên gia tư vấn says
Chào bạn,
Trường hợp này bạn nên thăm khám càng sớm càng tốt nhé.
Chúc bạn mạnh khoẻ,